Ung thư
Ung thư

Hướng dẫn người thân cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi

Biết tin người thân mắc ung thư phổi có thể khiến bạn lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần bình tĩnh và dành thời gian tìm hiểu về bệnh, các phương pháp điều trị cũng như cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi để hỗ trợ người thân tốt hơn trong giai đoạn này. Việc được chăm sóc, quan tâm sẽ giúp bệnh nhân có thêm sức khỏe cũng như tinh thần để chiến đấu với bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
Theo dõi sức khỏe hằng ngày cho bệnh nhânChăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổiChăm sóc về tinh thầnChăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng bệnhPhòng ngừa nhiễm khuẩn
Hướng dẫn người thân cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi

Chăm sóc người thân mắc bệnh ung thư phổi không phải là việc đơn giản. Bạn sẽ có nhiều điều phải làm, từ chăm sóc y tế tại nhà, chăm sóc dinh dưỡng, sinh hoạt cho đến hỗ trợ tinh thần. Trong bài viết này, Bảo hiểm Bowtie sẽ chia sẻ một số lưu ý dành cho người thân và gia đình khi chăm sóc người bệnh ung thư phổi. Bạn hãy dành vài phút xem qua để dễ dàng lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi tại nhà nhé!

Theo dõi sức khỏe hằng ngày cho bệnh nhân

Khi chăm sóc người bệnh ung thư phổi, bạn sẽ cần chú ý, theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân cũng như các triệu chứng mà họ gặp phải. Chẳng hạn như, người bệnh có bị ho không, nếu có thì ho như thế nào, người bệnh có khó thở không hoặc có gặp phải các triệu chứng nào khác không. Đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn IV (giai đoạn 4, giai đoạn cuối), nếu người bệnh có các biểu hiện như khó nuốt, khàn tiếng, sưng phù vùng đầu, cổ hoặc sụp mí mắt, bạn cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay. 

Song song với việc theo dõi các triệu chứng, bạn cũng cần chú ý chăm sóc y tế cơ bản cho bệnh nhân bằng cách:

  • Nhắc nhở người bệnh uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ
  • Đưa người thân đi tái khám, thực hiện xạ trị, hóa trị theo đúng lịch hẹn hoặc khi có biểu hiện bất thường càng sớm càng tốt
  • Lưu danh sách số điện thoại của bệnh viện, bác sĩ để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp

Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phổi

Dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý khi chăm sóc người bệnh ung thư phổi. Bởi một chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giúp người bệnh cảm thấy thoải mái, khỏe khoắn, góp phần tăng sức chịu đựng để “đương đầu” với bệnh. Ngoài ra, dinh dưỡng hợp lý cũng giúp người bệnh duy trì cân nặng ổn định và giảm thiểu khó chịu do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị gây ra.

Hiện không có một chế độ ăn uống riêng biệt nào cho người bị ung thư phổi. Trên thực tế, người bị ung thư phổi cũng không cần kiêng khem quá nghiêm ngặt. Do đó, khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh ung thư phổi, bạn chỉ cần đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, năng lượng. Tuy nhiên, nếu có thể, bạn vẫn nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm bổ dưỡng để giúp tăng cường sức khỏe, khả năng đề kháng cho bệnh nhân. Cụ thể, bạn nên khuyến khích người bệnh: 

  • Ăn những thực phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất, calo nhằm cung cấp năng lượng và tăng cường hệ miễn dịch 
  • Cho người bệnh ăn nhiều cải xanh, cải lá, cải bó xôi, cà chua, trái cây giàu flavonoids như táo, lê, quả mọng, trà xanh… 
  • Chế biến các món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá… vì lúc này, hệ tiêu hoá của bệnh nhân đã kém đi, không còn đủ khả năng xử lý những thực phẩm thô cứng, có thành phần quá phức tạp, đồng thời người bệnh cũng thường gặp nhiều vấn đề về nhai nuốt. 
  • Chú ý nhắc nhở người bệnh uống nhiều nước để bù lại lượng nước bị hao hụt do sự thay đổi chuyển hoá trong cơ thể hoặc do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư.

Chăm sóc về tinh thần

Một trong những thử thách khó khăn nhất khi chăm sóc người bị ung thư phổi, đặc biệt ở giai đoạn cuối, đó là hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh có thể trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lo lắng, giận dữ, sợ hãi cho đến mất niềm tin, hi vọng, dằn vặt và tiếc nuối. 

Do đó, khi chăm sóc, người thân sẽ cần thường xuyên thăm hỏi và động viên. Ngoài ra, gia đình cũng nên khuyến khích người bệnh chia sẻ và chú ý lắng nghe những cảm xúc mà họ đang trải qua. Đồng thời, cố gắng theo dõi diễn biến tâm lý của bệnh nhân để sớm phát hiện bất thường. Đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, gia đình không nên để người bệnh một mình vì ở giai đoạn này, người bệnh thường có cảm xúc tiêu cực và dễ nghĩ quẩn.

Hướng dẫn người thân cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi về tinh thần
Gia đình nên ở cạnh động viên và chia sẻ với người bệnh ung thư phổi.

Chăm sóc giảm nhẹ các triệu chứng bệnh

Trong quá trình điều trị, người bệnh ung thư phổi cũng sẽ gặp phải rất nhiều triệu chứng khó chịu như khó thở, đau, chán ăn… do bệnh và tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị. Để giúp người bệnh “đương đầu” với những tình trạng này, bạn có thể thử một số cách chăm sóc sau:

Khó thở

Đây là vấn đề rất thường gặp ở người bị ung thư phổi và nguyên nhân có thể là do sự chèn ép của khối u tại phổi, chức năng phổi bị suy giảm, phổi bị tràn dịch… Bạn có thể giúp người bệnh vượt qua tình trạng này bằng cách:

  • Khuyến khích người bệnh tập thể dục, tập kỹ thuật thở
  • Thiền định, yoga
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị
  • Điều chỉnh tư thế để giúp người bệnh giảm khó thở như nửa nằm nửa ngồi, đồng thời kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng, sử dụng quạt, gối định vị, thư giãn…

Đau

Đau là “nỗi sợ” lớn nhất của người bệnh ung thư. Theo đó, gia đình có thể giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng này bằng cách hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc hoặc các phương pháp giảm đau chuyên khoa. Đồng thời, hãy khuyến khích bệnh nhân thực hành thiền, yoga… hoặc các kỹ thuật thư giãn để làm dịu cơn đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể giúp người bệnh điều chỉnh tư thế thoải mái để giảm đau.

Với những trường hợp ung thư phổi giai đoạn cuối, người bệnh thường phải đối mặt với những cơn đau nghiêm trọng do bệnh tiến triển. Lúc này, việc tìm cách giảm đau cho bệnh nhân là một trong những lưu ý quan trọng bạn cần hỏi bác sĩ khi trao đổi về cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối

Chán ăn và sụt cân

Đây cũng là những vấn đề rất thường gặp trong quá trình điều trị ung thư. Bản thân ung thư phổi và các phương pháp điều trị sẽ khiến bệnh nhân chán ăn, mệt mỏi, suy nhược, từ đó gây sụt cân nhanh chóng. Lúc này, gia đình có thể giúp người bệnh bằng cách:

  • Cho họ ăn ngay khi thấy đói hoặc thèm
  • Chọn thực phẩm giàu năng lượng và protein (ví dụ như sữa, thịt, cá…)
  • Chia nhỏ các bữa ăn (5 – 6 bữa ăn mỗi ngày) thay vì 3 bữa chính
  • Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít gia vị…
  • Cho người bệnh ăn các món yêu thích, theo cảm giác thèm ăn
  • Chế biến thức ăn theo khẩu vị của bệnh nhân

Mệt mỏi

Người bệnh ung thư phổi thường cảm thấy rất mệt mỏi trong hoặc sau khi điều trị và có thể thiếu năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Để giúp người bệnh kiểm soát sự mệt mỏi, bạn có thể:

  • Khuyến khích họ đặt các mục tiêu nhỏ, có thể thực hiện được và chú ý nghỉ ngơi khi mệt 
  • Nếu người bệnh không muốn làm gì đó, đừng cố gắng ép họ 
  • Khuyến khích người bệnh ra ngoài trò chuyện với bạn bè hoặc đi đến những nơi mình thích
  • Hỏi bác sĩ về chế độ luyện tập thể dục phù hợp cho người bệnh
  • Khuyến khích người bệnh tập các kỹ thuật thư giãn, các bài tập thở…

Đặc biệt, tình trạng mệt mỏi, suy nhược sẽ tăng lên theo tiến triển của bệnh. Vì vậy, khi chăm sóc người bị ung thư phổi giai đoạn cuối, bạn cần lưu ý nhiều hơn về vấn đề này để không làm bệnh nhân thêm suy nhược nhé.

Ngủ không ngon giấc

Một giấc ngủ ngon có thể giúp duy trì năng lượng, giảm mệt mỏi và cải thiện tâm trạng cho người bệnh. Tuy nhiên, các tình trạng như đau, khó thở, lo lắng hoặc trầm cảm có thể khiến người bệnh mất ngủ. Để giúp người bệnh ngủ ngon hơn, bạn có thể thực hiện theo các mẹo nhỏ sau:

  • Khuyến khích người bệnh tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày. Bạn có thể giúp bệnh nhân có thêm động lực tập luyện bằng cách tập chung với họ
  • Tránh để người bệnh xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng trước khi đi ngủ
  • Giúp người bệnh xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ và đảm bảo không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, có nhiệt độ phù hợp.
  • Khuyến khích người bệnh ngồi thiền hay nghe nhạc thư giãn nhẹ nhàng trước khi ngủ

Phòng ngừa nhiễm khuẩn

Ung thư và các phương pháp điều trị ung thư có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng là một biến chứng phổ biến, thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, việc phòng ngừa nhiễm khuẩn cho người bệnh ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng. Trong quá trình chăm sóc người bệnh ung thư phổi, bạn sẽ cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Nhắc nhở người bệnh rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Hãy nhớ rửa tay trước khi ăn và trước khi chạm vào mặt hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng…).
  • Vệ sinh kỹ lưỡng bề mặt và các đồ vật mà người bệnh hay chạm vào như tay nắm cửa, bàn, ghế…
  • Tránh để người bệnh đến những nơi đông người như trung tâm mua sắm, siêu thị, rạp chiếu phim..
  • Tránh để người bệnh tiếp xúc với người bị sốt, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác
  • Nhắc nhở người bệnh mang giày mọi lúc – trong bệnh viện, ngoài trời và ở nhà. Điều này giúp người bệnh tránh bị thương và giữ cho tác nhân gây bệnh không tiếp xúc với bàn chân
  • Không cho người bị bệnh ăn các loại thực phẩm chưa được rửa sạch, thức ăn sống như sushi, trứng chưa chín (ốp la hoặc lòng đào), sữa và mật ong chưa tiệt trùng…
  • Rửa tay, dao, thớt, dụng cụ chế biến trước và sau khi chuẩn bị thức ăn cho người bệnh. Sử dụng thớt riêng cho từng loại thực phẩm, chẳng hạn thớt riêng dùng để chế biến thịt và thớt riêng cắt trái cây, rau củ.
  • Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý theo dõi các dấu hiệu nhiễm khuẩn ở người bệnh. Trong đó, sốt là dấu hiệu ung thư phổi quan trọng nhất. 

Trên đây là một số lưu ý về cách chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Chăm sóc người bệnh ung thư phổi không hề đơn giản. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng. Nếu trong quá trình chăm sóc, bạn có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ để được giải đáp cụ thể nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Điểm qua 8+ biến chứng ung thư cổ tử cung nguy hiểm bạn cần biết Điểm qua 8+ biến chứng ung thư cổ tử cung nguy hiểm bạn cần biết
Ung thư

Điểm qua 8+ biến chứng ung thư cổ tử cung nguy hiểm bạn cần biết

Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của
Ung thư

Ung thư tinh hoàn - căn bệnh nguy hiểm của "phái mạnh"

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển? Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển?
Ung thư

Ung thư cổ tử cung giai đoạn III (giai đoạn 3): Làm gì để ngăn bệnh tiến triển?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK