Vậy để biết sỏi thận có mấy loại, đồng thời tìm hiểu rõ hơn về các loại sỏi thận thường gặp, mời bạn cùng Bảo hiểm Bowtie theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé!
Lượng canxi dư thừa trong nước tiểu có thể kết hợp với oxalat hoặc photphat để hình thành 2 loại sỏi canxi oxalat và canxi phosphat, gọi chung là sỏi canxi. Đây là loại sỏi phổ biến nhất, với tỷ lệ gặp phải chiếm khoảng 70 – 80% tổng số các trường hợp sỏi thận. Sỏi canxi thường có màu xám, nâu hoặc vàng rám nắng và có kích thước nhỏ, hiếm khi phát triển lớn hơn 1 – 2cm.
Hầu hết nguyên nhân dẫn đến sỏi canxi thường bắt đầu do lượng canxi trong nước tiểu cao, hay còn gọi là tăng canxi niệu. Điều này có thể do sự hấp thụ quá nhiều canxi từ ruột/xương hoặc do khả năng đào thải canxi của thận gặp vấn đề. Đôi khi, chế độ ăn quá nhiều muối cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi canxi, do muối ăn có thể khiến canxi không được tái hấp thu từ nước tiểu, từ đó gây nên tình trạng dư thừa canxi.
Tình trạng dư thừa oxalat và phosphat trong nước tiểu cũng có thể gây hình thành sỏi canxi, mặc dù lượng canxi trong nước tiểu không quá cao hoặc vẫn ở mức bình thường. Tăng oxalat niệu có thể là kết quả của một số bệnh viêm ruột (chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng), phẫu thuật đường ruột hoặc do chế độ ăn chứa nhiều loại thực phẩm giàu oxalat. Trong khi đó, tăng phosphat niệu thường có liên quan đến tình trạng nhiễm toan ống thận.
Một loại sỏi khác cũng khá phổ biến với tỷ lệ gặp phải khoảng 5 – 10%, đó là sỏi axit uric. Loại sỏi này được hình thành từ các tinh thể axit uric thải ra từ quá trình biến đổi hóa học trong cơ thể. Sỏi axit uric thường có hình tròn, bề mặt nhẵn và màu cam vàng. Đây là loại sỏi thận có tính thấu xạ (không cản quang) nên không thể nhìn thấy trên phim X-quang. Thay vào đó, chúng thường được phát hiện bằng phương pháp siêu âm hoặc chụp CT bụng.
Nước tiểu mang tính axit (độ pH giảm xuống dưới 5,5) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hình thành sỏi axit uric. Bởi vì các tinh thể axit uric không có khả năng hòa tan trong nước tiểu axit, gây ra sự lắng đọng và dần dần sẽ tích tụ lại tạo thành sỏi.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi axit uric bao gồm thừa cân, tiêu chảy mạn tính, bệnh đái tháo đường type 2, bệnh gout, chế độ ăn giàu protein động vật, ít trái cây và rau quả.
Sỏi struvite chiếm khoảng 10 – 15% các trường hợp sỏi thận, được hình thành từ sự tích tụ của các chất bao gồm magie, amoni và phosphat. Đa số các viên sỏi struvite thường phát triển nhanh chóng và có kích thước rất lớn, đôi khi có thể lấp đầy đài bể thận với hình dạng trông giống như đám san hô.
Sự hình thành sỏi struvite có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng tiết niệu mạn tính (UTIs), do một số loại vi khuẩn có thể tiết ra urease làm tăng pH nước tiểu, tạo ra môi trường kiềm thuận lợi cho sự kết dính của magie, amoni và phosphat. Mặc dù được điều trị nhưng sỏi struvite vẫn có khả năng tái phát cao làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý khác ở thận.
Những người bị nhiễm trùng tiết niệu mạn tính và những người có chức năng làm rỗng bàng quang kém do các rối loạn thần kinh như liệt, đa xơ cứng và nứt đốt sống được cho là có nhiều nguy cơ hình thành sỏi struvite hơn. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ bị sỏi struvite cũng cao hơn nam giới do có nhiều khả năng bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hiếm gặp trong các loại sỏi thận (tỷ lệ xuất hiện dưới 1%) là sỏi có cấu tạo từ cystine – một loại axit amin trong cơ thể. Sỏi cystine thường hình thành với số lượng nhiều và kích thước rất lớn, có thể dễ dàng làm tổn thương thận hoặc đường tiết niệu.
Rối loạn di truyền cystine niệu là nguyên nhân chính dẫn đến việc cystine tích tụ quá nhiều trong nước tiểu gây ra sỏi thận. Mặc dù hiếm gặp nhưng cystine niệu có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong gia đình. Trẻ em, thanh thiếu niên và kể cả người lớn tuổi đều có thể phát triển sỏi cystine.
Bởi vì sự tham gia của yếu tố di truyền nên không có biện pháp nào để ngăn chặn sự hình thành sỏi cystine một cách hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể duy trì việc uống nhiều chất lỏng, cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống và hạn chế sử dụng rượu để làm giảm khả năng phát triển sỏi cystine trong tương lai.
Tóm lại, các loại sỏi thận thường không giống nhau về tính chất cũng như nguyên nhân hình thành, nhưng điểm chung là đều có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ sỏi thận, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.