Tim con người có cấu tạo gồm 4 buồng tim với 4 van tim để duy trì các hoạt động bình thường. Ở mỗi vị trí van có thể phát triển các bệnh van tim khác nhau, gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Cụ thể hơn, mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie theo dõi nội dung trong bài viết dưới đây để tìm hiểu về một số bệnh van tim thường gặp nhé!
Van động mạch chủ là van có cấu tạo 3 lá, nằm ở vị trí ngăn cách giữa tâm thất trái và động mạch chính của cơ thể (động mạch chủ). Van động mạch chủ bị hư hỏng hoặc tổn thương sẽ dẫn đến bệnh van động mạch chủ. Các bệnh van động mạch chủ thường gặp là:
Trong bệnh hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ không thể mở hoàn toàn nên làm chặn dòng máu giàu oxy từ tâm thất trái chảy đến động mạch chủ. Tim buộc phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ lượng máu cho phần còn lại của cơ thể, lâu dần khiến cơ tim yếu đi, cuối cùng dẫn đến suy tim và các vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn.
Mặc dù hẹp van động mạch chủ có thể xảy ra do một khuyết tật bẩm sinh gọi là van động mạch chủ hai mảnh nhưng tình trạng này thường phát triển nhiều hơn trong quá trình lão hóa do canxi tích tụ (vôi hóa van) hoặc mô sẹo thấp khớp làm hỏng van tim.
Hở van động mạch chủ cũng là một trong các bệnh về van tim thường gặp, xảy ra do van động mạch chủ bị hư hỏng và đóng lại không đúng cách. Điều này cho phép dòng máu từ động mạch chủ bị rò rỉ trở lại tâm thất trái, từ đó khiến tâm thất trái to ra và dày lên, lâu dần có thể gây suy thất trái và suy tim.
Bệnh hở van động mạch chủ có thể phát triển dần qua nhiều năm trước khi biểu hiện triệu chứng và thường liên quan đến các nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như dị tật tim bẩm sinh, vôi hóa van động mạch chủ, sốt thấp khớp, bệnh lupus, hội chứng Marfan,…
Đôi khi bệnh cũng có thể xảy ra đột ngột do một số nguyên nhân khiến van động mạch chủ bị rách hoặc tổn thương cấp tính, phổ biến nhất là tình trạng viêm nội tâm mạc và chấn thương ngực.
Van 2 lá (hay van nhĩ – thất trái) là một van nằm ở giữa buồng tim bên trái, làm nhiệm vụ kiểm soát dòng máu từ tâm nhĩ trái đổ về tâm thất trái. Các bệnh về van tim 2 lá có thể không biểu hiện trong nhiều năm hoặc các triệu chứng thường không rõ ràng, bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, nhịp tim không đều, đánh trống ngực…
Dưới đây là 3 bệnh van tim 2 lá thường gặp:
Bệnh hẹp van 2 lá mô tả tình trạng kích thước lỗ van bị thu nhỏ làm cho dòng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái bị tắc nghẽn trong khi máu từ tĩnh mạch phổi vẫn liên tục đổ về, cuối cùng gây ra sự quá tải ở tâm nhĩ trái.
Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hẹp van 2 lá, nhưng phổ biến nhất là do các mô sẹo hình thành sau sốt thấp khớp khiến cho van 2 lá trở nên dày và cứng hơn. Nếu không được điều trị, bệnh nhân hẹp van 2 lá có nguy cơ bị rung tâm nhĩ, hình thành cục máu đông và suy tim.
Với các trường hợp bị hở van 2 lá, lượng máu sau khi đến tâm thất trái có thể bị rò rỉ ngược trở về tâm nhĩ trái và phổi do lỗ van không được đóng chặt. Sự rò rỉ này kéo dài có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp phổi cùng với nhịp tim nhanh và không đều.
Phì đại tâm thất trái khiến vòng van giãn ra là nguyên nhân thường thấy nhất của bệnh hở van 2 lá. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn bao gồm một số vấn đề như bệnh sa van 2 lá, bệnh thấp tim, tổn thương cơ tim, nhiễm trùng van tim, chấn thương ngực…
Hầu hết bệnh hở van 2 lá thường tồn tại trong nhiều năm trước khi bộc phát các triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp hở van 2 lá cấp tính khiến máu bị rò rỉ ồ ạt gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Sa van 2 lá là tình trạng gặp phải phổ biến ở phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu là do các vấn đề bất thường xảy ra ở phần mô liên kết van 2 lá với cơ tim khiến van trở nên quá mềm dẻo và sa xuống khỏi vị trí ban đầu. Một số trường hợp khác có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc hiếm gặp hơn là các trường hợp do chính cơ tim bị tổn thương.
Tùy theo mức độ tổn thương mà chỉ 1 hoặc cả 2 lá van đều bị sa xuống khiến van không thể đóng chặt, dẫn đến tình trạng hở van 2 lá cùng nhiều hậu quả khác, bao gồm rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng van tim hoặc đột quỵ.
Tương tự như buồng tim trái, buồng tim bên phải cũng được điều hòa bởi một van gọi là van 3 lá (hay van nhĩ – thất phải), cho phép máu từ tâm nhĩ phải đổ xuống tâm thất phải.
Người mắc các bệnh về van tim 3 lá có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào nếu bệnh nhẹ. Các triệu chứng thường xuất hiện khi bệnh tiến triển hơn, bao gồm: rối loạn nhịp tim, phù nề ở chân, sưng bụng, gan to bất thường, mệt mỏi, suy nhược, da lạnh…
Một số bệnh lý liên quan đến van 3 lá phổ biến là:
Tình trạng này xảy ra khi van 3 lá trở nên cứng hơn do nhiều nguyên nhân, khiến chúng không còn khả năng mở rộng hoàn toàn. Bệnh hẹp van 3 lá gây ra sự trì trệ trong việc đưa máu đến tâm thất phải, theo thời gian có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tâm thất phải.
Trong bệnh hở van 3 lá, lỗ van không thể đóng chặt lại sau khi mở ra ở mỗi chu kỳ co bóp của tim. Hậu quả là máu từ tâm thất phải có thể dễ dàng chảy ngược qua van về lại tâm nhĩ phải. Sự bất thường này khiến tâm nhĩ phải bị phì đại, đồng thời làm thay đổi áp suất trong tim và mạch máu, từ đó gây tổn thương tim.
Bệnh tim Ebstein là một dạng dị tật bẩm sinh hiếm gặp, trong đó có sự bất thường về vị trí và hình dạng của van 3 lá. Dị dạng van 3 lá nhẹ có thể không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Với các trường hợp nghiêm trọng hơn, tình trạng này có thể khiến tim hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến suy tim hoặc thậm chí là ngừng tim đột ngột.
Một trong các bệnh van tim 3 lá nguy hiểm và cần can thiệp bằng phẫu thuật chính là teo van 3 lá ở trẻ sơ sinh. Đây là một dạng dị tật bẩm sinh xảy ra khi van 3 lá không được hình thành, thay vào đó là sự xuất hiện của một mảnh mô cứng ngăn chặn sự lưu thông máu giữa các buồng tim bên phải.
Van động mạch phổi cũng là một loại van cấu tạo 3 lá, với vai trò chính là đảm bảo dòng máu từ tâm thất phải được lưu thông đúng cách đến động mạch phổi.
Biểu hiện của bệnh van động mạch phổi có thể tương đồng với triệu chứng của các bệnh về van tim khác, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, đau tức ngực, khó thở khi hoạt động, mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt, suy nhược,…
Một số bất thường trong quá trình phát triển tim bẩm sinh có thể khiến các lá của van động mạch phổi không thể mở ra hoàn toàn gây nên tình trạng hẹp van động mạch phổi. Khi đó, lưu lượng máu chảy vào động mạch phổi bị giảm sẽ thúc đẩy áp lực bên trong tâm thất phải tăng lên để tống máu qua lỗ van hẹp. Sự gia tăng áp lực kéo dài gây căng thẳng cho tim, làm dày thành cơ của tâm thất phải và có thể dẫn đến suy tim.
Ngoài ra, hẹp van động mạch phổi cũng có thể liên quan đến nhiều yếu tố bệnh lý khác, ví dụ như bệnh rubella, bệnh thấp khớp, hội chứng Noonan, hội chứng Carcinoid…
Các bệnh van tim còn bao gồm tình trạng hở van động mạch phổi gây ra sự trào ngược máu từ động mạch phổi về lại tâm thất phải. Bệnh hở van động mạch phổi khá phổ biến nhưng thường nhẹ và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động của tim. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh mức độ trung bình hoặc nặng có thể làm tổn thương tâm thất phải và gây suy tim phải.
Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật tim bẩm sinh thường được chẩn đoán ngay sau khi trẻ chào đời. Đây là tình trạng có thể đe dọa tính mạng do van động mạch phổi đã bị thay thế bởi một mô cứng và không thể mở ra để cho phép máu được lưu thông. Trẻ sơ sinh bị teo động mạch phổi thường có làn da hơi xanh vì không nhận đủ oxy.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến các bệnh về van tim thường gặp mà bạn có thể tham khảo. Trường hợp gặp phải bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề khác thường nào, bạn nên sớm liên hệ với bác sĩ để nhận được sự tư vấn và chỉ định phù hợp nhất.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.