Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện

Buồn ngủ trước kỳ kinh là tình trạng phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là có liên quan đến sự thay đổi hormone trong cơ thể và một số vấn đề xảy ra trước khi hành kinh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-28
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Vì sao bạn hay bị buồn ngủ khi sắp có kinh?Cách cải thiện giấc ngủ khi đến tháng
Giải mã tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh và 6 cách cải thiện

Gần đến ngày “rụng dâu”, bạn thấy mình hay mệt mỏi, thậm chí còn vô cùng buồn ngủ và không có động lực để làm bất cứ việc gì? Nếu có những biểu hiện trên, rất có thể bạn đã gặp phải tình trạng buồn ngủ liên quan đến kinh nguyệt, thường xuất hiện trước khi bắt đầu hành kinh khoảng 1 tuần. Biểu hiện chính của tình trạng này là bạn sẽ thấy buồn ngủ quá mức suốt cả ngày, gây ảnh hưởng đến sự tập trung và hiệu suất công việc. Ngoài ra, bạn còn có các biểu hiện như không muốn làm bất cứ việc gì, hay thay đổi tâm trạng, chậm chạp… Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu và làm sao để khắc phục?

Vì sao bạn hay bị buồn ngủ khi sắp có kinh?

Dưới đây là một số nguyên nhân lý giải cho tình trạng bạn hay buồn ngủ khi đến tháng:

Thay đổi nồng độ hormone

Sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone trong cơ thể có khả năng là “thủ phạm” khiến bạn hay buồn ngủ khi sắp có kinh. Estrogen là hormone có tác dụng kích thích còn progesterone lại là hormone giúp thư giãn. Nếu tỷ lệ của 2 hormone này có sự biến động, nó sẽ ảnh hưởng đến mức năng lượng và giấc ngủ.

Trong 1 tuần trước kỳ kinh, nồng độ progesterone có xu hướng cao hơn estrogen. Vì vậy, bạn có nhiều khả năng sẽ cảm thấy thiếu năng lượng, hay buồn ngủ nhiều hơn. Ngoài ra, nếu có sự mất cân bằng đáng kể giữa các hormone này, bạn cũng có khả năng gặp phải các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt như tâm trạng uể oải, mệt mỏi. Đây có thể là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chỉ muốn “chui ngay” vào giường và ngủ một giấc.

Mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm

Bị mất ngủ, khó ngủ vào ban đêm cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn hay buồn ngủ vào ban ngày trước kỳ hành kinh. Trong những ngày trước khi hành kinh, bạn thường sẽ nhận thấy những thay đổi về thể chất và cảm xúc xảy ra cùng với sự thay đổi hormone trong cơ thể. 

Đối với nhiều phụ nữ, những thay đổi này là nhẹ nhưng đối với nhiều người khác, những thay đổi này có thể là “thủ phạm” dẫn đến hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và nghiêm trọng hơn, là rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD). Khi gặp phải 2 vấn đề này, bạn có thể bị mất ngủ, ngủ ít vào ban đêm. Việc mất ngủ vào ban đêm sẽ khiến bạn thấy buồn ngủ, uể oải vào hôm sau. 

Mất nước

Một lý do khác khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và hay cần một giấc ngủ ngắn khi gần đến tháng là mất nước. Nếu bị mất nước, máu có thể đặc lại và làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tuần hoàn máu lên não, gây chóng mặt, uể oải. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bị mất nước, bạn sẽ dễ thấy mệt mỏi, tâm trạng tồi tệ và chức năng nhận thức kém.

Thèm ăn

Sự thay đổi của hormone trước kỳ kinh có thể khiến bạn thèm ăn những món không tốt cho sức khỏe. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mức năng lượng và khiến bạn cảm thấy hay buồn ngủ trước kỳ kinh. 

Carbohydrate tinh chế – thành phần hay “có mặt” trong các loại bánh ngọt, bánh quy, đồ uống có đường, bánh mì trắng, mì ống và gạo có thể là thủ phạm. Khi ăn những món này, chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng trong nửa giờ đầu hoặc lâu hơn. Nhưng sau đó, lượng đường trong máu sẽ giảm mạnh. Lúc này, bạn rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng nghiêm trọng và bắt đầu thấy buồn ngủ.

Thiếu máu

Nếu bạn thuộc “tuýp” người ra máu nhiều khi hành kinh, vậy bạn có thể nghĩ đến thủ phạm gây buồn ngủ là thiếu máu. Khi hành kinh, bạn thường xuyên bị mất một lượng máu lớn. Nếu không bổ sung đủ sắt – khoáng chất giúp tạo máu – bạn sẽ có nguy cơ cao thiếu máu. Thiếu máu có thể khiến bạn mệt mỏi, uể oải và hay buồn ngủ. Tuy nhiên, tình trạng buồn ngủ do thiếu máu thường xảy ra trong kỳ kinh nhiều hơn là trước đó.

Thay đổi tâm trạng

Gần đến ngày hành kinh, một số phụ nữ cũng hay gặp phải tình trạng thay đổi tâm trạng thất thường. Bạn có thể dễ khóc, dễ buồn, hay cáu giận, thậm chí thấy lo âu, trầm cảm. Sự thay đổi này có khả năng khiến bạn thấy mệt mỏi, uể oải và dẫn đến tình trạng buồn ngủ trước khi hành kinh.

Cách cải thiện giấc ngủ khi đến tháng

Nếu hay gặp phải các vấn đề về giấc ngủ trước khi hành kinh, bạn có thể thử một số bí quyết sau để cải thiện chất lượng giấc ngủ:

1. Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể

Như đã đề cập ở trên, mất nước có thể dẫn đến việc bạn hay thấy buồn ngủ khi đến tháng. Để tránh tình trạng này, bạn hãy cố gắng uống nhiều nước hơn. Mỗi ngày, bạn cần uống từ 1,5 – 2 lít nước. Việc uống đủ nước không chỉ cải thiện các vấn đề về giấc ngủ mà còn giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đầy hơi, các vấn đề về da và cảm giác thèm ăn.

2. Chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày

Nếu bạn hay thấy thèm ăn vào những ngày trước hành kinh, hãy lựa chọn cho mình những món ăn vặt lành mạnh như bánh mì, mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây. Tránh chọn các món chứa nhiều carbohydrate tinh chế như bánh quy, kẹo, nước ngọt, bánh mì trắng vì những món này sẽ dễ làm cạn kiệt năng lượng và khiến cho bạn hay thấy buồn ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý ăn nhiều các thực phẩm giàu sắt như rau bina, thịt đỏ, các loại đậu để bổ sung sắt, ngăn ngừa thiếu máu.

Về thói quen ăn uống, bạn nên chia bữa ăn lớn thành nhiều bữa nhỏ. Ngoài ra, đối với bữa tối, bạn nên tránh ăn quá nhiều bởi việc này sẽ khiến cơ thể khó thư giãn và đi vào giấc ngủ. 

Bài viết hữu ích:

Cách giảm tình trạng buồn ngủ trước kỳ kinh
Vào những ngày trước hành kinh, bạn nên bổ sung nhiều trái cây.

3. Hạn chế hút thuốc và dùng chất kích thích

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, bạn cũng nên hạn chế một số thói quen không tốt như:

  1. Hút thuốc lá
  2. Uống rượu bia nhiều
  3. Dùng các loại thức uống chứa caffeine như cà phê trong 6 tiếng trước giờ đi ngủ

4. Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng

Theo một nghiên cứu năm 2015, thực hiện các bài tập thể dục có cường độ vừa phải có thể giúp tăng mức năng lượng, cải thiện sự tập trung và giảm bớt hầu hết các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Do đó, bạn hãy cố gắng vận động, tập thể dục mỗi ngày với các bộ môn như đi bộ, bơi, yoga… Tuy nhiên, cần lưu ý là bạn nên tránh tập thể dục mạnh trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ vì điều này có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.

5. Thử các phương pháp giải tỏa căng thẳng

Thực hiện các phương pháp giúp giải tỏa căng thẳng như các bài tập hít thở sâu, thiền và liệu pháp thư giãn có thể giúp bạn thấy thư thái, dễ chịu và dễ đi vào giấc ngủ hơn vào buổi tối. Ngoài ra, các kỹ thuật thư giãn này cũng được cho là sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

6. Xây dựng thói quen ngủ lành mạnh, khoa học

Xây dựng, duy trì các thói quen ngủ lành mạnh có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bạn có thể xây dựng và duy trì một số thói quen như:

  • Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày
  • Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn
  • Không dùng điện thoại, máy tính bảng, laptop và các thiết bị điện tử khác ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ
  • Tránh ăn quá nhiều hoặc dùng thức uống chứa caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ
  • Xây dựng một không gian ngủ có nhiệt độ phù hợp, yên tĩnh.

Trên đây là một số lý do giải thích tại sao bạn lại hay buồn ngủ trước kỳ kinh cũng như một vài bí quyết giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Bowtie hy vọng rằng với những thông tin này, các bạn nữ sẽ trải qua những ngày “rụng dâu” thoải mái hơn và có thể tự tin làm những điều mình thích mà không bị “dâu” cản trở nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Ngủ nhiều có bị nhức đầu không? Nguyên nhân và cách tự điều chỉnh Ngủ nhiều có bị nhức đầu không? Nguyên nhân và cách tự điều chỉnh
Kiến thức sức khỏe

Ngủ nhiều có bị nhức đầu không? Nguyên nhân và cách tự điều chỉnh

Nguyên nhân và cách giảm đau bụng quanh rốn ở nữ giới Nguyên nhân và cách giảm đau bụng quanh rốn ở nữ giới
Kiến thức sức khỏe

Nguyên nhân và cách giảm đau bụng quanh rốn ở nữ giới

Nước ép thơm bao nhiêu calo? 10 cách kết hợp nước ép thơm giảm cân Nước ép thơm bao nhiêu calo? 10 cách kết hợp nước ép thơm giảm cân
Kiến thức sức khỏe

Nước ép thơm bao nhiêu calo? 10 cách kết hợp nước ép thơm giảm cân

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK