Vậy cụ thể, bụng phình to, căng cứng là dấu hiệu của bệnh gì? Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ ngay? Để có đáp án cho những câu hỏi trên, mời bạn hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của Công ty Bowtie nhé.
Trên thực tế, nhiều người có biểu hiện bụng phình to, căng cứng nhưng không nghĩ là bản thân có bệnh. Đôi khi, họ cho rằng mình chỉ bị đầy hơi và thường không quan tâm tới nguyên nhân cho đến khi tình trạng này kéo dài và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến bụng phình to, căng cứng bất thường mà có thể bạn chưa biết.
Việc ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc hoặc ăn quá nhanh sẽ gây ra cảm giác no, khó chịu kèm tình trạng vùng bụng phình to, căng cứng. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ là tạm thời và sẽ dần biến mất sau khi thức ăn được tiêu hóa.
Việc uống quá nhiều thức uống có ga như bia, nước ngọt, nước giải khát… sẽ làm khí tích tụ trong bụng và khiến bụng phình to ra, căng cứng. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp ăn no, tình trạng bụng to, căng cứng do uống nhiều thức uống có ga thường không đáng lo ngại và có thể hết sau khi bạn ợ hoặc “xì hơi”.
Tình trạng bụng phình lên và căng cứng ở nữ giới có thể là dấu hiệu của mang thai. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do tử cung ngày càng phát triển gây áp lực lên vùng bụng. Tình trạng bụng to và cứng khi mang thai có thể rõ rệt hơn nếu mẹ bầu ăn ít chất xơ hoặc uống nhiều nước có ga.
Tăng cân đột ngột hoặc tăng cân nhanh cũng khiến bụng phình to và căng cứng. Điển hình là với những người uống nhiều rượu bia, ăn nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đạm thì việc tăng cân và xuất hiện mỡ bụng là tình trạng phổ biến.
Táo bón rất phổ biến ở người trưởng thành và có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý hoặc các yếu tố lối sống (thói quen ăn uống nhiều dầu mỡ, món ăn nhanh, ăn ít chất xơ). Việc không thể đi ngoài sẽ khiến phân bị ứ đọng trong ruột, đồng thời làm lượng thực phẩm vừa tiêu thụ không di chuyển được qua đường tiêu hóa. Điều này có thể gây đau bụng, khó chịu ở bụng hoặc khiến bụng phình to và căng cứng.
Nếu cơ thể bạn gặp khó khăn trong việc tiêu hóa một số loại thực phẩm thì khi tiêu thụ loại thực phẩm đó có thể dẫn đến đầy hơi, khó tiêu. Thậm chí, có một số trường hợp, bụng còn bị sưng lên và có cảm giác đầy chướng, căng cứng khó chịu.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một nguyên nhân rất phổ biến gây đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón. Người bệnh có thể bị đầy hơi ở vùng bụng, thậm chí căng cứng bụng với cảm giác rất khó chịu. Về cơ bản, IBS được biết đến là một chứng rối loạn chức năng đường tiêu hóa và triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, không có dự báo rõ ràng.
Bụng phình to, căng cứng đôi khi còn là dấu hiệu của bệnh viêm ruột, bao gồm hai tình trạng là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Bệnh lý này có thể khiến bạn cảm thấy đầy bụng, căng bụng, ăn mất ngon, mệt mỏi…
Viêm dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc dạ dày bị viêm, thường do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc uống nhiều rượu bia gây ra. Các triệu chứng của viêm dạ dày thường là bụng phình to, căng cứng, đầy bụng và đau vùng bụng.
Nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh gan giai đoạn cuối (xơ gan), suy tim, ung thư… có thể khiến chất lỏng tích tụ trong bụng, còn được gọi là cổ trướng. Tình trạng cổ trướng sẽ làm bụng của bạn ngày càng to ra và căng cứng. Lượng chất lỏng tích tụ càng nhiều thì bụng càng to. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân nhận thấy bụng phình to, cứng nhưng không đau.
Bài viết liên quan:
U xơ tử cung là những khối u lành tính phát triển ở trong và trên tử cung của phụ nữ. Phụ nữ bị u xơ tử cung thường có biểu hiện bụng dưới phình to, căng cứng (giống như mang thai) do khối u phát triển và một số triệu chứng khác như chảy máu âm đạo, đi tiểu thường xuyên, đau khi quan hệ, táo bón, tiết dịch âm đạo bất thường…
U xơ tử cung có thể được chẩn đoán bằng nhiều phương pháp như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, nội soi tử cung, soi ổ bụng… Việc điều trị tình trạng này sẽ phụ thuộc vào kích thước, số lượng, vị trí của các u cũng như triệu chứng chúng gây ra. Các phương pháp thường được sử dụng là dùng thuốc để giảm triệu chứng, điều hòa kinh nguyệt hoặc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật để loại bỏ u.
Thông thường, u nang buồng trứng ít gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, khi u phát triển lớn, chúng có thể gây đau vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục, rối loạn kinh nguyệt, khó tiêu, cảm thấy no nhanh…, đặc biệt là tình trạng đầy hơi và bụng phình to.
Viêm vùng chậu xảy ra khi các cơ quan sinh dục nữ (như tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng…) bị viêm. Tình trạng này có thể gây đau bụng dưới, đau khi quan hệ tình dục, tiết dịch âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn, nóng rát khi đi tiểu… Dù ít gặp, viêm vùng chậu cũng có khả năng khiến bụng dưới sưng và to lên.
Các khối u ác tính xuất hiện ở những cơ quan trong ổ bụng như buồng trứng, tử cung, đại trực tràng, tuyến tụy, dạ dày… có thể khiến bụng của bạn phình to và căng cứng. Tùy vào cơ quan bị ảnh hưởng mà bệnh nhân sẽ có thêm các triệu chứng khác kèm theo.
Đây là một tình trạng vô cùng nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Việc phát hiện và điều trị ung thư càng sớm thì cơ hội chữa khỏi càng cao.
Nếu tình trạng bụng phình to, căng cứng kéo dài hơn 2 – 3 ngày, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và chăm sóc y tế. Đặc biệt, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bụng bị phình to, căng cứng kèm theo các triệu chứng sau:
Hy vọng qua bài viết trên, khi bụng bị phình to, căng cứng, bạn đã có thể phần nào suy đoán được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, mọi suy đoán hay nghi ngờ đều cần được kiểm chứng bởi bác sĩ. Khi bạn cảm thấy tình trạng bụng phình to, căng cứng có xu hướng trở nên tồi tệ hoặc kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng kéo dài, nôn mửa… thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.