Phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung thường gặp phải nhiều biến chứng. Nguyên nhân gây nên những biến chứng này có thể do hậu quả trực tiếp của bệnh ung thư hoặc do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Trong bài viết này, Bowtie sẽ điểm qua 8+ biến chứng thường gặp do chính bệnh ung thư cổ tử cung gây ra.
Một số biến chứng phổ biến của bệnh ung thư cổ tử cung mà nhiều người bệnh gặp phải là:
Các tế bào ung thư cổ tử cung khi đã lan vào xương, cơ bắp hoặc các đầu dây thần kinh sẽ khiến bạn bị đau dữ dội. Không những vậy, tình trạng suy kiệt, suy sụp tinh thần, tâm lý lo lắng, hoang mang cũng góp phần gây nên hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng đau đớn ở bệnh nhân ung thư.
Biến chứng này thường xảy ra ở giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung (90% các trường hợp), khiến người bệnh phải trải qua những cơn đau “thấu trời”. Theo các chuyên gia, biểu hiện đau trong ung thư cổ tử cung rất đa dạng, chẳng hạn như đau từ các cơ quan nội tạng, đau do cảm giác tự thân, đau do thần kinh, đau do tâm lý…
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc giảm đau. Tùy mức độ đau của từng bệnh nhân cụ thể mà loại thuốc được chỉ định sẽ khác nhau. Ngoài ra, một số phương pháp khác như vật lý trị liệu, liệu pháp tâm lý… cũng có thể được áp dụng để giảm đau cho bệnh nhân.
Các tế bào ung thư nếu đã lan vào âm đạo, ruột hoặc bàng quang của người bệnh có thể gây tổn thương đáng kể các cơ quan này và dẫn đến hiện tượng chảy máu. Bạn có thể bị chảy máu âm đạo, chảy máu trực tràng hoặc thậm chí đi tiểu hoặc đi tiêu ra máu.
Tình trạng chảy máu nhẹ thường được điều trị bằng axit tranexamic giúp đông máu và cầm máu. Xạ trị cũng mang đến hiệu quả cao trong việc kiểm soát chảy máu do ung thư. Các trường hợp chảy máu nặng sẽ được cầm máu tạm thời bằng cách băng kín âm đạo, sau đó thực hiện phẫu thuật, xạ trị hoặc các phương pháp giúp ngăn nguồn cung cấp máu cho tử cung.
Trong một số trường hợp ung thư cổ tử cung tiến triển nhanh, khối u phát triển với kích thước lớn có thể gây chèn ép niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang). Điều này gây tích tụ nước tiểu bên trong thận, khiến thận ứ nước và mất dần chức năng, từ đó gây suy thận.
Suy thận có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay do giữ nước, hụt hơi, đi tiểu ra máu… Lúc này, sức khỏe của người bệnh sẽ giảm sút đáng kể do hậu quả của ung thư cổ tử cung lẫn tình trạng suy thận.
Tất cả các bệnh ung thư đều có thể làm cho máu trở nên ‘dính’ hơn (tăng độ nhớt), từ đó dễ gây hình thành cục máu đông, kể cả bệnh ung thư cổ tử cung cũng không ngoại lệ. Không chỉ vậy, việc người bệnh nằm nghỉ quá lâu trên giường và không vận động trong thời gian dài cũng góp phần dẫn đến biến chứng ung thư cổ tử cung này.
Một nguyên nhân khác gây hình thành cục máu đông ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung là do khối u phát triển với kích thước lớn gây chèn ép vào các tĩnh mạch trong khung chậu. Điều này làm chậm quá trình lưu thông máu và có thể khiến cục máu đông phát triển ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới). Đặc biệt, mối bận tâm chính bây giờ là cục máu đông từ tĩnh mạch chân có thể di chuyển lên phổi và chặn nguồn cung cấp máu cho phổi, gây thuyên tắc phổi và có khả năng dẫn đến tử vong.
Lỗ rò âm đạo là một biến chứng ung thư cổ tử cung hiếm gặp, thường xuất hiện vào giai đoạn cuối của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, lỗ rò âm đạo phát triển giữa bàng quang và âm đạo, gây tiết dịch liên tục từ âm đạo. Ở một số trường hợp khác, lỗ rò có thể xuất hiện giữa âm đạo và trực tràng.
Với các trường hợp xuất hiện lỗ rò, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để sửa chữa các lỗ rò này. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân ung thư quá yếu, không thể chịu được tác động của phẫu thuật thì bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc, kem hoặc lotion để giảm lượng dịch tiết ra, đồng thời bảo vệ âm đạo cũng như các mô xung quanh khỏi tổn thương và kích ứng.
Các khối u có thể nằm chặn ở nơi tinh trùng và trứng gặp nhau. Điều này khiến quá trình thụ tinh khó diễn ra, từ đó làm giảm khả năng sinh sản của bệnh nhân. Không những vậy, với một số người bệnh, để điều trị dứt điểm bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng. Điều này khiến bệnh nhân mất đi thiên chức làm mẹ.
Mỗi người phụ nữ khi nghe tin bản thân mắc bệnh ung thư cổ tử cung đều có tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí suy sụp và tuyệt vọng. Đặc biệt, khi bệnh càng tiến triển hoặc khi bệnh nhân gặp phải các biến chứng, tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư, họ sẽ càng rơi vào trạng thái bế tắc, trầm cảm. Điều này không chỉ khiến bệnh tình trở nên nặng hơn mà bệnh nhân đôi khi có những suy nghĩ tiêu cực, muốn làm hại bản thân.
Ung thư cổ tử cung có thể gây biến chứng nặng nề và khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Các tế bào ung thư phát triển mất kiểm soát và xâm lấn đến nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể. Chúng có thể phá hủy các cơ quan này, khiến các cơ quan không còn hoạt động bình thường để đảm bảo chức năng sống, từ đó gây suy kiệt và dẫn đến tử vong.
Các biến chứng của ung thư cổ tử cung có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta biết cách phòng chống, phát hiện và điều trị ung thư từ các giai đoạn sớm.
Để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, bạn nên có biện pháp phòng ngừa bệnh từ sớm, cụ thể như:
Mục tiêu của tầm soát ung thư cổ tử cung là tìm ra những thay đổi bất thường ở cổ tử cung để từ đó điều trị sớm trước khi chúng phát triển thành ung thư. Quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung có thể gồm các phương pháp sau:
Theo các chuyên gia, phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ theo lịch sau, đặc biệt nếu có các yếu tố nguy cơ như đã nhiễm HPV, có hệ miễn dịch suy yếu, từng mắc ung thư cổ tử cung hoặc có người thân mắc bệnh…:
Riêng phụ nữ trên 65 tuổi không cần tiếp tục tầm soát ung thư cổ tử cung nếu kết quả từ các lần tầm soát trước không có gì bất thường.
Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung thì nên giữ bình tĩnh và đừng quá hoang mang, lo lắng. Lúc này bạn nên hợp tác với bác sĩ để kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả, từ đó ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các biến chứng của ung thư cổ tử cung. Tùy vào giai đoạn bệnh, loại bệnh, tình trạng sức khỏe, mong muốn của bệnh nhân… mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Người bệnh cần tuân thủ đúng các phương pháp điều trị của bác sĩ, hợp tác điều trị ở mỗi giai đoạn để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất. Với những bệnh nhân quá sốc hoặc chưa chấp nhận sự thật mình đã mắc bệnh thì người thân trong gia đình cần trấn an và giúp họ giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết được các biến chứng của ung thư cổ tử cung cùng với đó là cách ngăn ngừa các biến chứng này. Để không phải “chịu đựng” những ảnh hưởng nặng nề của ung thư cổ tử cung, bạn nên có các biện pháp phòng ngừa bệnh cũng như tầm soát định kỳ để phát hiện sớm và có hướng điều trị hiệu quả, dứt điểm.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.