Ung thư
Ung thư

Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Trong chế độ ăn uống của người bị ung thư vòm họng sẽ có những thực phẩm nên ưu tiên bổ sung và những thực phẩm nên hạn chế để hỗ trợ việc điều trị cũng như giúp người bệnh mau hồi phục. Vậy cụ thể, người bị ung thư vòm họng nên ăn uống gì và nên kiêng ăn gì?
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2023-03-30
Cập nhật ngày 2023-05-12
Nội dung chính
5 nhóm thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn cho người bị ung thư vòm họngBệnh nhân ung thư vòm họng nên kiêng ăn gì?
Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì?

Trong bài viết này, Bowtie sẽ phần nào giúp bạn giải đáp những băn khoăn kể trên. Bạn hãy cùng Bowtie dành vài phút “điểm danh” những thực phẩm tốt và không tốt với người bị ung thư vòm họng để lên thực đơn phù hợp cho người bệnh nhé!

5 nhóm thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn cho người bị ung thư vòm họng

Thực tế, rất khó để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì hay kiêng ăn gì?”. Bởi điều này sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các triệu chứng ung thư vòm họng mà bệnh nhân gặp phải, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị đang được áp dụng, độ tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, tình trạng dị ứng và sở thích cá nhân. Do đó, tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi lên thực đơn cho người bệnh để xây dựng được chế độ ăn phù hợp nhất.

Dưới đây là danh sách 5 nhóm thực phẩm thường được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn uống của người bị ung thư vòm họng:

Trái cây

Trái cây là loại thực phẩm đầu tiên bạn nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày cho người bị ung thư vòm họng. Trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa, có thể giúp người bệnh nhanh hồi phục sau khi thực hiện các phương pháp điều trị, đồng thời giúp giảm tác dụng phụ do các phương pháp này gây ra. 

Bạn có thể cho người bệnh ăn đa dạng các loại trái cây như lê, táo, chuối, quả mọng…, đặc biệt là trái cây có màu vàng, cam hoặc xanh. Tuy nhiên, nên tránh các loại trái cây có vị chua như cam, chanh… bởi những loại trái cây này có khả năng khiến vòm họng người bệnh bị đau rát. Nếu người bệnh không muốn ăn hoặc bị đau họng, khó nuốt, bạn có thể xay nhuyễn trái cây thành sinh tố hoặc ép lấy nước và cho người bệnh dùng. 

Rau củ

Bên cạnh trái cây thì rau củ cũng thường được khuyến khích nên “có mặt” trong chế độ ăn uống của người bị ung thư vòm họng. Ngoài cung cấp các dưỡng chất cần thiết thì rau củ chứa nhiều chất xơ sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón cho bệnh nhân. 

Người bị ung thư vòm họng nên ăn nhiều các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, cải bó xôi…, những loại rau củ nổi tiếng bổ dưỡng và tốt cho người bị ung thư. Ngoài ra, một số loại rau củ nhiều màu sắc như cà rốt, ớt chuông, cà tím… cũng được cho là rất tốt với người bệnh do có hàm lượng cao chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ và làm chậm quá trình tổn thương tế bào. 

Thực phẩm chứa nhiều protein

Trong quá trình điều trị ung thư vòm họng, bệnh nhân thường dễ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược và mất sức. Lúc này, người thân và gia đình nên bổ sung nhiều protein vào thực đơn ăn uống hằng ngày cho bệnh nhân để cung cấp đầy đủ năng lượng giúp họ “đương đầu” với bệnh và các phương pháp điều trị.

Ngoài cung cấp năng lượng, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu protein vào chế độ ăn còn giúp người bệnh tránh được tình trạng mất cơ (tình trạng thường xảy ra do ung thư và các phương pháp điều trị). Các loại thực phẩm giàu protein mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn cho người bị ung thư vòm họng là:

  • Các loại đậu như đậu lăng, đậu hà lan, đậu thận, đậu gà…
  • Các loại thịt nạc như thịt gia cầm, thịt gà (nên bỏ da), thịt cá…
  • Trứng
  • Hải sản
  • Sữa chua

Thực phẩm chứa vitamin A

Nếu bạn tự hỏi “Người bị ung thư vòm họng nên ăn uống gì?” thì câu trả lời là các loại thực phẩm giàu vitamin A. Một số nghiên cứu đã cho thấy, vitamin A có khả năng làm chậm sự phát triển của khối u, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. 

Do đó, các loại thực phẩm giàu vitamin A thường được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn uống của người bị ung thư vòm họng. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin A bạn có thể lựa chọn là cà rốt, đu đủ, bí đỏ, khoai lang, cà chua, ớt chuông…

Sữa và sản phẩm từ sữa

Sữa và sản phẩm từ sữa cũng là nhóm thực phẩm nên có mặt trong chế độ ăn uống của người bị ung thư vòm họng. Bởi vì nhóm thực phẩm này chứa nhiều canxi giúp củng cố sức khỏe của xương, đặc biệt ở những bệnh nhân bị ung thư vòm họng di căn xương. Ngoài ra, sữa còn là nguồn cung cấp protein dồi dào, dễ sử dụng và dễ tiêu hóa.

Bạn có thể cho người bệnh dùng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… như một bữa phụ trong ngày. Tuy nhiên, bạn nên chọn các loại sữa ít béo hoặc tách béo, sữa không đường hoặc ít đường. Đồng thời, cần lưu ý không cho người bệnh sử dụng các sản phẩm chưa qua tiệt trùng vì ở giai đoạn này, hệ miễn dịch của người bệnh tương đối yếu nên rất dễ bị nhiễm trùng.

Bệnh nhân ung thư vòm họng nên kiêng ăn gì?

Người bị ung thư vòm họng nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người bị ung thư vòm họng nên hạn chế ăn đồ ngọt, thức ăn nhanh...

Để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho bệnh nhân, ngoài việc biết người bị ung thư vòm họng nên ăn uống gì, bạn cũng cần lưu ý đến những thực phẩm mà người bệnh cần hạn chế. Vậy bệnh nhân ung thư vòm họng nên kiêng ăn gì? Dưới đây là danh sách những thực phẩm nên tránh xa:

  • Đồ muối (như dưa muối, cà muối…): Sau quá trình muối, một số thành phần trong thực phẩm có thể bị biến đổi. Khi được tiêu thụ, các chất này có khả năng khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ: Những món ăn này thường khó tiêu hóa, từ đó khiến người bệnh dễ bị đầy hơi, ăn không tiêu. Ngoài ra, chúng cũng không tốt cho sức khỏe, kể cả với người khỏe mạnh.
  • Đồ nướng: Khi được nướng dưới nhiệt độ cao, thực phẩm sẽ sản sinh ra các hợp chất gây hại đến tế bào và có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn.
  • Thức ăn cay: Những món ăn cay, nóng có thể làm vùng hầu họng bị tổn thương nhiều hơn.
  • Thực phẩm chứa nhiều đường (như kẹo, bánh quy, các món tráng miệng…): Những món ăn này có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu, từ đó thúc đẩy quá trình di căn ung thư diễn ra nhanh hơn.
  • Rượu bia và thức uống chứa cồn: Sử dụng thức uống chứa cồn có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, vòm họng, thực quản và dạ dày, gây hại cho cơ thể người bệnh và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
  • Thực phẩm chứa nhiều i-ốt: I-ốt có thể làm loét khối u và gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân.

Trên đây là thông tin về những thực phẩm tốt và không tốt cho người bệnh ung thư vòm họng mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Thực tế, mỗi người bệnh sẽ cần một chế độ dinh dưỡng khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Do đó, tốt hơn hết, để biết người bệnh ung thư vòm họng nên ăn gì và kiêng ăn gì, bạn hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi xây dựng thực đơn cho bệnh nhân nhé!

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Cẩn trọng với 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm Cẩn trọng với 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm
Ung thư

Cẩn trọng với 9 dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ? Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ?
Ung thư

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối: Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ?

Thận trọng với nguy cơ ung thư vòm họng tái phát sau điều trị Thận trọng với nguy cơ ung thư vòm họng tái phát sau điều trị
Ung thư

Thận trọng với nguy cơ ung thư vòm họng tái phát sau điều trị

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK