Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào?

Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào là thắc mắc thường gặp của nhiều người khi tìm hiểu về sốt xuất huyết. Việc biết được đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết sẽ giúp bạn có biện pháp chủ động phòng tránh, bảo vệ sức khỏe bản thân trước căn bệnh này.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-07-13
Cập nhật ngày 2023-07-13
Nội dung chính
Những thông tin cần biết về sốt xuất huyếtBệnh sốt xuất huyết có lây nhiễm hay không?Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?Cách phòng ngừa lây nhiễm sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào?

Sốt xuất huyết là một bệnh do virus gây ra, thường xuất hiện vào giai đoạn mùa mưa hoặc tại các khu vực ẩm ướt. Bệnh dễ bùng phát thành dịch và có khả năng cướp đi sinh mạng của người bệnh nếu không được điều trị hiệu quả. Cũng chính vì lý do này, nhiều người tự hỏi liệu bệnh sốt xuất huyết có bị lây sang cho người khác được không và lây truyền qua đường nào để từ đó có cách phòng ngừa hiệu quả. Trong bài viết này, Bowtie sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về cách thức lây lan của bệnh sốt xuất huyết và những điều cần biết để có thể chủ động phòng tránh căn bệnh này.

Những thông tin cần biết về sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra, tương đối phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nhiều người nhiễm virus nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh hoặc có các triệu chứng giống với một số bệnh lý thông thường, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm.

Tuy nhiên, nhìn chung, một số triệu chứng thường gặp nhất khi mắc sốt xuất huyết sẽ là sốt cao, đau đầu, đau cơ, đau xương hoặc khớp, buồn nôn, nôn mửa, đau sau hốc mắt, xuất hiện các nốt xuất huyết rải rác trên da…

Các triệu chứng sốt xuất huyết thường bắt đầu xuất hiện từ 4 – 10 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm virus và có thể kéo dài từ 3 – 7 ngày. Bên cạnh đó, khoảng 1 trong số 20 người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ chuyển biến sang tình trạng nặng sau khi các triệu chứng ban đầu biến mất. Khi bệnh sốt xuất huyết trở nặng, bệnh nhân có thể gặp phải các tình trạng sau đây:

  • Đau bụng, đau vùng gan dữ dội
  • Thường xuyên nôn mửa
  • Nôn ra máu, máu trong dịch nôn hoặc máu trong phân, phân đen
  • Chảy máu cam và chảy máu nướu răng
  • Cực kỳ mệt mỏi, bồn chồn hoặc cáu kỉnh

Bệnh sốt xuất huyết có lây nhiễm hay không?

Bệnh sốt xuất huyết có lây hay không là câu hỏi rất được quan tâm và thắc mắc. Thực chất,  sốt xuất huyết có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, virus sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người qua các con đường thông thường như đường hô hấp, tiếp xúc gần, quan hệ tình dục… như nhiều loại virus khác. Thay vào đó, bệnh sẽ được lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Ngoài ra, dù hiếm gặp nhưng bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người thông qua các con đường khác như từ mẹ sang con và qua tiếp xúc máu.

Vì vậy, nếu bạn hỏi “Sốt xuất huyết có lây từ người sang người qua đường hô hấp (không khí), qua đường quan hệ tình dục, qua nước bọt không?” thì câu trả lời khẳng định là không.

Bệnh sốt xuất huyết có lây không?
Sốt xuất huyết chủ yếu lây truyền qua vật trung gian là muỗi vằn.

Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Như đã đề cập ở trên, sốt xuất huyết không lây từ người sang người thông qua các con đường thông thường như không khí, quan hệ tình dục, nước bọt… mà sẽ lây lan qua các con đường đặc biệt hơn. Theo đó, đường lây truyền chủ yếu của virus sốt xuất huyết là qua muỗi vằn. Ngoài ra, tiếp xúc máu trực tiếp và từ mẹ sang con cũng là một số con đường có thể làm lây nhiễm bệnh. Các đường lây nhiễm sốt xuất huyết cụ thể như sau:

Muỗi vằn

Con đường lây truyền sốt xuất huyết chủ yếu là thông qua muỗi vằn. Các loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi thuộc chi Aedes, chủ yếu là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Các loại muỗi này sinh sống phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả Việt Nam. Chúng thường đẻ trứng gần khu vực nước đọng, trong các vật dụng như xô, chậu, đĩa thức ăn cho vật nuôi, chậu hoa và bình hoa. 

Theo đó, khi đốt người nhiễm bệnh, muỗi vằn cũng sẽ bị lây nhiễm virus sốt xuất huyết. Chúng mang virus trong mình và tiếp tục đốt người khỏe mạnh rồi truyền virus này cho họ. Virus sẽ đi từ cơ thể muỗi vào máu của người khỏe mạnh, khiến họ bị nhiễm bệnh. Bệnh nhân thường bắt đầu nhận thấy các biểu hiện của sốt xuất huyết sau 4 – 10 ngày nhiễm virus (thời gian ủ bệnh).

Từ mẹ sang con

Bệnh sốt xuất huyết có thể lây truyền từ mẹ sang con, dù tương đối hiếm gặp. Theo đó, mẹ bầu bị nhiễm sốt xuất huyết có thể truyền virus cho em bé trong quá trình mang thai hoặc trong khoảng thời gian sinh nở. Điều này tương đối nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng thai sản nghiêm trọng như băng huyết, sảy thai, sinh non, trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc tử vong sau sinh… 

Vì vậy, mẹ bầu cần đặc biệt thận trọng và nên tìm cách phòng ngừa sốt xuất huyết trong thai kỳ. Ngoài ra, nếu bị sốt xuất huyết trong thời gian mang thai, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và theo dõi sát sao.

Khi biết virus sốt xuất huyết có thể truyền từ mẹ sang con, nhiều người cũng tự hỏi liệu bệnh sốt xuất huyết có lây qua sữa mẹ hay không. Cho đến nay, đã có báo cáo ghi nhận về trường hợp bệnh sốt xuất huyết có thể truyền từ mẹ sang bé thông qua sữa mẹ. Vì vậy, nếu bị sốt xuất huyết trong thời gian cho con bú, các mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về việc có nên cho con bú khi bị bệnh hay không nhé.

Máu, kim tiêm và thủ thuật y khoa

Nếu bạn đang tự hỏi “Bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào?” thì một con đường lây nhiễm sốt xuất huyết khác chính là qua truyền máu, cấy ghép nội tạng hoặc vết thương do kim đâm. Dẫu hiếm gặp nhưng nếu đang mắc sốt xuất huyết và được chỉ định thực hiện các phương pháp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của mình. Bác sĩ có thể cân nhắc về các lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.

Bệnh sốt xuất huyết có lây không? Lây qua đường máu
Bạn có thể bị lây nhiễm sốt xuất huyết trong quá trình truyền máu.

Cách phòng ngừa lây nhiễm sốt xuất huyết

Sau khi tìm hiểu bệnh sốt xuất huyết có lây không và lây qua đường nào, bạn chắc hẳn sẽ quan tâm đến việc làm sao phòng ngừa căn bệnh này. Dưới đây là một số cách giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc sốt xuất huyết:

  • Dùng thuốc chống muỗi, thuốc xịt muỗi hoặc nhang muỗi: Đây đều là những sản phẩm dễ tìm nhưng lại có khả năng “đuổi muỗi, diệt muỗi” hiệu quả. Nếu nhà có nhiều muỗi hoặc bạn chuẩn bị đến những khu vực có nhiều muỗi thì hãy trang bị ngay cho mình những sản phẩm này nhé.
  • Mặc quần áo tay dài: Nếu sinh sống hoặc phải di chuyển đến khu vực có nhiều muỗi, bạn nên ưu tiên mặc các trang phục dài tay, quần dài lẫn đi thêm tất vớ để hạn chế bị muỗi đốt nhé. 
  • Ngủ mùng: Vào ban đêm, bạn hãy sử dụng thêm mùng (màn) che muỗi để ngăn không cho muỗi đốt trong lúc ngủ. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc về việc lắp đặt lưới chống muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ, giếng trời trong nhà.
  • Phát quang bụi rậm và không để đọng nước quanh nhà: Mỗi tuần một lần, bạn hãy chú ý kiểm tra xem xung quanh nhà có vị trí nào ẩm thấp hoặc đọng nước hay không để tiến hành dọn dẹp. Muỗi sẽ sinh sản trong môi trường nước nên biện pháp này có thể ngăn không cho chúng đẻ trứng. Với các vật dụng chứa nước, bạn nên đậy nắp cẩn thận hoặc thả cá để ngăn không cho lăng quăng phát triển.
  • Giữ nhà cửa thoáng mát, đủ sáng: Một không gian sống gọn gàng, nhiều ánh sáng vừa có thể giúp bạn cảm thấy thư thái, dễ chịu, vừa giảm thiểu sự xuất hiện của muỗi. 
  • Thường xuyên thay nước bình hoa: Bình hoa là môi trường thích hợp cho muỗi đẻ trứng và lăng quăng phát triển. Do đó, bạn hãy thường xuyên thay mới nước bình hoa mỗi 2 – 3 ngày nhằm loại bỏ lăng quăng trong bình. Bạn cũng nên thực hiện tương tự với các vật dụng chứa nước trong nhà như lu, khạp… 
  • Kết hợp với cơ quan chức năng để phun hóa chất phòng muỗi: Khi ngành y tế ở khu vực bạn sinh sống triển khai công tác phun hóa chất phòng trừ và đuổi muỗi, bạn hãy tạo điều kiện để nhân viên y tế thực hiện công tác này nhé. 
  • Trồng thảo mộc đuổi muỗi: Trồng thảo mộc đuổi muỗi là một cách tự nhiên và hiệu quả để bảo vệ bạn và gia đình khỏi muỗi lẫn các loại côn trùng phiền toái. Một số loại thảo mộc có thể giúp bạn đuổi muỗi là oải hương, húng quế, sả chanh, hương thảo…

Vừa rồi là các thông tin chi tiết giúp bạn giải đáp thắc mắc “Bệnh sốt xuất huyết có lây không, lây qua đường nào?” cũng như cách phòng ngừa căn bệnh này. Hy vọng qua đó, bạn sẽ có cách bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình tốt hơn. Bạn đừng quên truy cập Bowtie thường xuyên để cập nhật thêm nhiều bài viết hữu ích về chủ đề chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà hiệu quả, an toàn Hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà hiệu quả, an toàn
Các bệnh lý khác

Hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà hiệu quả, an toàn

Cúm A có lây không và lây qua đường nào? Cúm A có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Cúm A có lây không và lây qua đường nào?

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? 5 cách chẩn đoán cúm A Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? 5 cách chẩn đoán cúm A
Các bệnh lý khác

Kiểm tra, xét nghiệm cúm A bằng cách nào? 5 cách chẩn đoán cúm A

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK