Bệnh thận - tiết niệu
Bệnh thận - tiết niệu

Những điều cần biết về bệnh sỏi thận

Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-13
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Sỏi thận là gì?Các loại sỏi thậnDấu hiệu nhận biết sỏi thậnNguyên nhân và yếu tố nguy cơSỏi thận có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trị Cách ngăn ngừa

Bệnh sỏi thận là gì?

Sỏi thận là một trong những bệnh lý đường tiết niệu phổ biến, thường gặp nhiều hơn ở nam giới. Trong khi các viên sỏi nhỏ có thể được tống ra ngoài thông qua đường nước tiểu, một số viên sỏi lớn sẽ bị kẹt lại trong đường tiết niệu, làm cản trở dòng nước tiểu và gây ra nhiều biến chứng.

Theo Bộ Y tế, cứ 20 người thì lại có một người bị sỏi thận. Đây là bệnh lý rất thường gặp nhưng vẫn chưa nhiều người hiểu rõ. Vậy sỏi thận là gì? Bệnh có nguy hiểm không? Cùng Bowtie tham khảo thông tin chi tiết về sỏi thận trong bài viết dưới đây nhé.

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận (sỏi tiết niệu ở thận) là tinh thể rắn được hình thành do sự kết dính của các khoáng chất và muối có trong nước tiểu. Kích thước của sỏi có thể dao động từ vài milimet đến vài centimet.

Các loại sỏi thận

Dựa vào thành phần mà sỏi thận được chia thành 4 loại chính gồm:

  • Sỏi canxi: Khoảng 80% số ca mắc sỏi thận là sỏi canxi, thường ở dạng canxi oxalate và canxi photphate. Việc ăn các loại thực phẩm có hàm lượng oxalat cao, sử dụng vitamin D liều cao, phẫu thuật nối ruột và một số bệnh rối loạn chuyển hóa có thể làm tăng nồng độ canxi hoặc oxalate trong nước tiểu. Trong khi đó, sỏi canxi photphate thường gặp ở những bệnh nhân mắc các tình trạng chuyển hóa, chẳng hạn như toan hóa ống thận.
  • Sỏi struvite: Sỏi struvite thường hình thành do tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Những viên sỏi này có thể phát triển nhanh và trở nên khá lớn, đôi khi biểu hiện ít triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo.
  • Sỏi acid uric. Sỏi acid uric dễ xuất hiện khi quá trình chuyển hóa chất purine tăng trong cơ thể. Nguyên nhân làm tăng chuyển hóa purine có thể kể đến như ăn nhiều thức ăn chứa purine (như lòng heo, lòng bò, nấm), mắc bệnh gout, dùng thuốc hóa trị làm phân hủy khối u ung thư….
  • Sỏi cystine: Loại sỏi này thường hình thành ở người mắc chứng cystine niệu. Đây là loại sỏi không cản quang, tương đối ít gặp ở người Việt Nam.

Bài viết liên quan:

Dấu hiệu nhận biết sỏi thận

Các viên sỏi ở thận thường không gây ra nhiều triệu chứng cho đến khi chúng di chuyển trong thận hoặc đi vào các niệu quản. Viên sỏi nếu mắc kẹt trong niệu quản sẽ gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, từ đó khiến thận sưng lên và niệu quản bị co thắt. 

Tình trạng này có thể gây ra các cơn đau dữ dội, được gọi là cơn đau quặn thận. Cơn đau do sỏi thận sẽ thay đổi vị trí hoặc cường độ khi sỏi di chuyển trong đường tiết niệu. Lúc này, bệnh nhân gặp phải các triệu chứng sỏi thận như:

  • Đau dữ dội, đau nhói ở vùng bụng phía dưới xương sườn hoặc sau lưng
  • Đau lan xuống bụng dưới và háng
  • Đau từng cơn, khi đau nhiều, khi đau ít
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
Dấu hiệu bệnh sỏi thận
Sỏi thận gây ra các cơn đau ở vùng bụng phía dưới xương sườn hoặc sau lưng.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của sỏi thận có thể bao gồm:

  • Nước tiểu lẫn máu, có màu hồng, đỏ hoặc nâu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Tăng nhu cầu đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
  • Tiểu són, tiểu lắt nhắt mỗi lần một ít hoặc bí tiểu (do viên sỏi làm tắc đường tiểu)
  • Buồn nôn và nôn
  • Sốt và ớn lạnh nếu sỏi thận gây nhiễm trùng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sỏi thận có thể hình thành khi nước tiểu của bạn chứa quá nhiều thành phần có thể kết tinh, lắng đọng để tạo tinh thể như canxi, acid uric, oxalate. Đồng thời, việc nước tiểu thiếu các chất ngăn cản quá trình gắn kết của tinh thể cũng tạo môi trường lý tưởng để hình thành sỏi. Bạn có nhiều nguy cơ bị sỏi thận nếu: 

  • Uống quá ít nước
  • Tiền sử gia đình có người bị sỏi thận
  • Đã từng bị sỏi thận trước đây
  • Tiêu thụ chế độ ăn nhiều protein, muối, đường và ít chất xơ
  • Thừa cân, béo phì
  • Đã từng thực hiện phẫu thuật ở các cơ quan của hệ tiêu hóa
  • Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm ruột, tiêu chảy mạn tính… 
  • Mắc các vấn đề sức khỏe khác như toan hóa ống thận, cystine niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu…  
  • Có thói quen nhịn tiểu
  • Tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít
  • Uống các loại thuốc hoặc sản phẩm bổ sung như vitamin, thực phẩm chức năng, thuốc nhuận tràng…

Sỏi thận có nguy hiểm không?

Thông thường, các viên sỏi nhỏ được đào thải ra ngoài thông qua dòng nước tiểu mà không gây ra triệu chứng hoặc bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu bị vướng lại ở một vị trí nào đó trên đường tiết niệu, sỏi có thể lớn dần, làm cản trở quá trình lưu thông nước tiểu, từ đó gây ứ đọng nước tiểu và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều kịp trị thời, bao gồm:

  • Tắc đường tiểu
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Gây hình thành các viên sỏi khác
  • Phá hủy dần cấu trúc thận, từ đó gây suy thận và thậm chí tử vong

Phương pháp chẩn đoán

Để xác định bạn có bị sỏi thận hay không, bác sĩ thường sử dụng một số phương pháp chẩn đoán sau:

  • Xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận và kiểm tra nồng độ các chất có thể gây sỏi thận trong máu (chẳng hạn như canxi, acid uric…)
  • Xét nghiệm nước tiểu để xác định lượng chất tạo sỏi, chất ngăn tạo sỏi cũng như sự hiện diện của máu, sỏi trong nước tiểu
  • Siêu âm đường tiết niệu để phát hiện sỏi
  • Các chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp UIV hệ tiết niệu, chụp cắt lớp vi tính (CT), nội soi…
  • Phân tích các viên sỏi trong nước tiểu để xác định nguyên nhân gây sỏi và lập kế hoạch ngăn ngừa sự hình thành của các viên sỏi mới
Chẩn đoán bệnh sỏi thận
Siêu âm là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh sỏi thận.

Phương pháp điều trị sỏi thận

Tùy theo kích thước và tính chất của sỏi mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với bệnh nhân.

Sỏi nhỏ với ít triệu chứng

Hầu hết các viên sỏi thận nhỏ sẽ không cần điều trị xâm lấn. Trong trường hợp này, bác sĩ thường khuyên bạn nên uống khoảng 2 – 3 lít nước mỗi ngày để giúp nước tiểu loãng hơn và ngăn ngừa sự hình thành sỏi. 

Khi di chuyển trong đường tiết niệu, viên sỏi có thể gây ra cảm giác đau và khó chịu. Vì vậy, bác sĩ đôi khi cho bệnh nhân uống thêm thuốc giảm đau để giảm bớt các triệu chứng này. Ngoài ra, một số thuốc như thuốc chẹn alpha (thuốc làm giãn các cơ trong niệu quản) cũng giúp quá trình loại bỏ sỏi diễn ra nhanh và ít đau hơn.

Sỏi lớn gây ra nhiều triệu chứng

Các viên sỏi lớn có nguy cơ bị kẹt lại trong đường tiết niệu, gây chảy máu, tổn thương thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài. Lúc này, bạn sẽ cần được điều trị bằng các phương pháp xâm lấn hơn như:

  • Tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể
  • Tán sỏi qua da
  • Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng
  • Mổ nội soi lấy sỏi sau phúc mạc
  • Mổ hở lấy sỏi niệu quản

Cách ngăn ngừa sỏi thận

Sỏi thận có thể được ngăn ngừa hiệu quả bằng cách:

  • Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày và không được nhịn tiểu
  • Ăn ít các loại thực phẩm chứa nhiều oxalate như đậu bắp, khoai lang, các loại hạt, trà, sô-cô-la, hạt tiêu đen, các sản phẩm từ đậu nành…
  • Ăn ít muối và các protein từ động vật
  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu đúng cách để giảm nguy cơ bị sỏi thận
  • Sử dụng vitamin C, D ở mức độ vừa phải
  • Giảm cân
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên nhằm phát hiện sớm sỏi thận, từ đó đưa ra phương án điều trị giúp giảm tối đa các biến chứng của bệnh

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết thêm nhiều thông tin hữu ích về sỏi thận. Các viên sỏi nhỏ thường được đào thải ra ngoài thông qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, các viên sỏi lớn có thể bị kẹt lại trong đường tiết niệu, gây tắc nghẽn dòng nước tiểu và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy thận và tử vong. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu sỏi thận, bạn cần đến bệnh viện thăm khám sớm. Ngoài ra, việc điều chỉnh lối sống cũng giúp bạn ngăn ngừa căn bệnh này. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu cần cảnh giác 6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu cần cảnh giác
Bệnh thận - tiết niệu

6 dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu cần cảnh giác

Nguyên nhân khiến sỏi thận dễ tái phát Nguyên nhân khiến sỏi thận dễ tái phát
Bệnh thận - tiết niệu

Nguyên nhân khiến sỏi thận dễ tái phát

Vì sao sỏi thận gây đau lưng? Vì sao sỏi thận gây đau lưng?
Bệnh thận - tiết niệu

Vì sao sỏi thận gây đau lưng?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK