Bệnh về hệ thần kinh
Bệnh về hệ thần kinh

Hé lộ những điều bạn chưa biết về bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở người lớn tuổi, gây ra sự bất thường trong khả năng vận động của cơ thể. Nếu không được kiểm soát tốt, các triệu chứng của Parkinson sẽ trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến nhiều rủi ro cho người bệnh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-12-13
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh Parkinson là gì?Các giai đoạn bệnh ParkinsonTriệu chứng bệnh ParkinsonNguyên nhân dẫn đến bệnh ParkinsonYếu tố nguy cơ mắc bệnh ParkinsonBệnh Parkinson có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoán bệnh ParkinsonPhương pháp điều trị ParkinsonCách phòng ngừa bệnh ParkinsonCâu hỏi thường gặp về bệnh Parkinson
Hé lộ những điều bạn chưa biết về bệnh Parkinson

Vậy Parkinson là bệnh gì và có thể điều trị khỏi được không? Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn hãy cùng Bảo hiểm sức khỏe Bowtie theo dõi nội dung bài viết dưới đây nhé! 

Bệnh Parkinson là gì?

Parkinson được xếp vào dạng bệnh lý thần kinh tiến triển, đặc trưng bởi sự thiếu hụt dopamin do các tế bào thần kinh bị thoái hóa dần. Dopamin là chất dẫn truyền thần kinh cần thiết cho việc kiểm soát các chuyển động của cơ thể. Việc mất đi lượng dopamin đáng kể có thể gây ra các cử động ngoài ý muốn, phổ biến là tình trạng run rẩy và co cứng. Do đó, bệnh Parkinson còn được gọi là bệnh run tay Parkinson hay bệnh liệt rung Parkinson.

Các giai đoạn bệnh Parkinson

Quá trình phát triển của bệnh Parkinson được chia thành 5 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, các triệu chứng lúc này thường không nghiêm trọng. Bệnh nhân vẫn có thể thực hiện được các công việc hằng ngày một cách bình thường.
  • Giai đoạn 2: Các triệu chứng của bệnh (run và cứng khớp) ảnh hưởng đến cả hai bên của cơ thể và dễ nhận thấy hơn.
  • Giai đoạn 3: Giai đoạn này đặc trưng bởi sự gia tăng các triệu chứng. So với giai đoạn 2, người bệnh bắt đầu xuất hiện các vấn đề về cân bằng, chuyển động chậm, phản xạ chậm. 
  • Giai đoạn 4: Bệnh nhân bắt đầu gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày hoặc thậm chí không thể thực hiện được, cần nhờ đến sự hỗ trợ từ người thân. Người bệnh Parkinson ở giai đoạn 4 thường vẫn có thể tự đi đứng được nhưng phải cần đến dụng cụ hoặc thiết bị hỗ trợ.
  • Giai đoạn 5: Đây là giai đoạn cuối cùng và suy nhược nhất của bệnh Parkinson. Người bệnh sẽ không thể đứng, đi lại và cần phải nhờ đến sự hỗ trợ liên tục để thực hiện các hoạt động hằng ngày.

Triệu chứng bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson gây ra triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Thông thường, các triệu chứng phổ biến được chia thành 2 nhóm chính là: triệu chứng vận động và triệu chứng ngoài vận động. 

Triệu chứng vận động

  • Chuyển động chậm chạp (bradykinesia)
  • Run không tự chủ ở tay, cánh tay, chân, hàm hoặc đầu (run khi nghỉ ngơi)
  • Cơ bắp cứng nhắc và kém linh hoạt
  • Mất thăng bằng và phối hợp, dễ té ngã
  • Tư thế khom lưng
  • Dáng đi xiêu vẹo, giảm vung tay khi đi bộ
  • Không thể viết rõ ràng hoặc chữ viết tay nhỏ dần (micrographia)
  • Thiếu biểu cảm trên khuôn mặt, giảm kiểm soát cơ mặt và ít chớp mắt hơn bình thường
  • Chảy nước dãi
  • Khó nuốt
  • Nói chậm, âm lượng giọng nói thấp

Triệu chứng ngoài vận động

  • Huyết áp thấp khi đứng lên (hạ huyết áp tư thế đứng)
  • Mất khứu giác
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Táo bón
  • Trầm cảm
  • Thay đổi cảm xúc, lo lắng và căng thẳng
  • Trí nhớ kém, lú lẫn và khó tập trung
  • Tăng tiết mồ hôi
  • Tiểu không tự chủ
  • Rối loạn chức năng tình dục 

Các triệu chứng này có thể xuất hiện dần và không tuân theo một thứ tự nhất định nào. Ban đầu, chúng có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ và ít gây ảnh hưởng đến bệnh nhân. Tuy nhiên, triệu chứng thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian và có thể làm gián đoạn các hoạt động thường ngày. 

Triệu chứng bệnh Parkinson
Run tay là dấu hiệu điển hình của bệnh Parkinson.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Parkinson là gì vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng bệnh Parkinson xảy ra do sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh cũng có thể liên quan đến một hoặc nhiều vấn đề sau đây:

  • Tiếp xúc với chất độc (mangan, carbon monoxide), hóa chất, thuốc trừ sâu,…
  • Tổn thương não do chấn thương đầu lặp đi lặp lại, ví dụ như chấn thương do tham gia các môn thể thao hoặc các hoạt động va chạm mạnh.
  • Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài (phenothiazin, butyrophenone, reserpine, metoclopramide,…)
  • Các vấn đề sức khỏe khác: khối u trong não, viêm não, thoái hóa thể vân, bệnh Alzheimer, bệnh Huntington, chứng teo đa hệ thống, chứng sa sút trí tuệ thể Lewy…

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh Parkinson

Yếu tố rủi ro lớn nhất đối với bệnh lý Parkinson chính là tuổi tác. Nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên một cách tự nhiên theo độ tuổi và phần lớn bệnh nhân thường phát triển triệu chứng sau 60 tuổi. Đôi khi có thể bắt gặp một số trường hợp ở độ tuổi trẻ hơn, nhưng rất ít.

Xu hướng phát triển bệnh Parkinson ở nam giới thường cao hơn, mặc dù bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Bên cạnh đó, tiền sử gia đình cũng được xem là một yếu tố nguy cơ của bệnh Parkinson. Khả năng mắc bệnh có thể tăng nếu như bạn có người thân trong gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson có nguy hiểm không?

Parkinson là bệnh lý mạn tính và không có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn. Việc điều trị có thể giúp bệnh nhân kiểm soát hầu hết các triệu chứng để chung sống suốt đời với bệnh mà không bị ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn khiến bệnh nhân khó thực hiện các hoạt động hàng ngày nếu không có sự trợ giúp. Nhiều trường hợp không đáp ứng tốt với điều trị có thể bị tàn tật hoàn toàn. Trong khi một số khác có thể gặp phải các biến chứng với khả năng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như:

  • Viêm phổi do hít phải nước bọt, dịch nôn hay nghẹn thức ăn
  • Suy giảm chức năng não kéo dài dẫn đến tử vong sớm
  • Chấn thương nặng do té ngã
  • Nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng
Biến chứng bệnh Parkinson
Bệnh nhân Parkinson có thể bị viêm phổi do sặc, nghẹn trong quá trình ăn uống.

Phương pháp chẩn đoán bệnh Parkinson

Để chẩn đoán chính xác bệnh liệt rung Parkinson có thể mất nhiều thời gian do hiện nay chưa có phương pháp kiểm tra, xét nghiệm đặc hiệu nào có thể khẳng định một người có mắc bệnh Parkinson hay không. Quá trình chẩn đoán chủ yếu dựa trên việc quan sát các triệu chứng, thăm hỏi tiền sử bệnh và kiểm tra hệ thần kinh để loại trừ các nguyên nhân khác.

Một số xét nghiệm có thể giúp ích cho việc đánh giá và loại trừ các bệnh lý khác trong trường hợp có nghi ngờ về bệnh Parkinson, bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần
  • Xét nghiệm di truyền
  • Siêu âm não
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn photon (SPECT)

Phương pháp điều trị Parkinson

Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh Parkinson là kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng để giúp người bệnh duy trì được chất lượng cuộc sống thường ngày. Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên thay đổi lối sống, đặc biệt cần tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, một số phương pháp có thể được lựa chọn để điều trị Parkinson là:

Sử dụng thuốc

Tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân, các loại thuốc được chỉ định có thể là:

  • Levodopa
  • Chất chủ vận dopamin
  • Chất ức chế men phân hủy dopamin, ví dụ: thuốc ức chế MAO-B, thuốc ức chế COMT
  • Thuốc amantadin
  • Thuốc kháng cholinergic

Phẫu thuật

Những bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc điều trị có thể được cân nhắc phẫu thuật để kích thích não sâu. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành cấy một điện cực nhỏ vào phần sâu của não. Sau đó kết nối chúng với một thiết bị điện được đặt trong ngực để tạo thành hệ thống dẫn truyền có thể giúp bệnh nhân kiểm soát các chuyển động liên quan đến triệu chứng của bệnh Parkinson. 

Ngoài ra, một số phương pháp khác như vật lý trị liệu, liệu pháp nghề nghiệp, liệu pháp ngôn ngữ, massage trị liệu… cũng có thể giúp làm giảm triệu chứng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Cách phòng ngừa bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson thường có liên quan đến yếu tố di truyền và những nguyên nhân không thể đoán trước, vì vậy rất khó để ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, một số biện pháp chăm sóc đơn giản có thể giúp bạn hạn chế được sự phát triển của các triệu chứng Parkinson bao gồm:

  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe tổng thể
  • Tham gia các bài luyện tập giúp tăng cường cơ bắp, rèn luyện sự dẻo dai và khả năng giữ cân bằng
  • Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức
  • Hạn chế việc tiếp xúc với các tác nhân gây hại cho não

Câu hỏi thường gặp về bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson có di truyền không?

Bệnh Parkinson có khả năng xảy ra do yếu tố di truyền, trong đó bệnh nhân có thể thừa hưởng gen bệnh từ bố hoặc mẹ hoặc cả hai người. Tuy nhiên, nguyên nhân này chỉ chiếm khoảng 10 – 15% trong tất cả trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson và có thể khởi phát ở độ tuổi trẻ hơn bình thường.

Người bệnh Parkinson sống được bao lâu?

Bệnh Parkinson không trực tiếp gây tử vong nhưng nếu điều trị kém hiệu quả, bệnh có thể trở nên phức tạp và tồi tệ hơn theo thời gian, cuối cùng dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Điều đáng mừng là với những tiến bộ trong điều trị hiện nay, hầu hết những người mắc bệnh Parkinson đều duy trì được tuổi thọ như bình thường.

Người bệnh Parkinson nên ăn gì, kiêng gì?

Ăn uống phù hợp có thể giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe và cải thiện được một số triệu chứng khi chung sống với bệnh Parkinson. Chế độ ăn lành mạnh được khuyến nghị cho hầu hết mọi người, kể cả bệnh nhân Parkinson là:

  • Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa như rau, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt và quả hạch,…
  • Tiêu thụ vừa phải các loại hải sản, thịt gà, trứng và thực phẩm từ bơ sữa.
  • Tránh xa thịt đỏ, rượu bia, thực phẩm chế biến sẵn, các loại thức ăn và đồ uống có chứa nhiều đường hoặc chất béo bão hòa.
  • Tránh các loại thức ăn cứng, khó nhai.

Tóm lại, bệnh Parkinson là một tình trạng không thể dự đoán trước và kéo dài mạn tính. Người bệnh tuy không được chữa khỏi nhưng có thể chung sống lâu dài với bệnh nhờ việc tuân thủ các phương pháp điều trị thích hợp. Do đó, hãy cố gắng đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu như bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ của bệnh. 

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời
Bệnh về hệ thần kinh

Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ để xử trí kịp thời

10 triệu chứng bệnh Alzheimer và biểu hiện qua từng giai đoạn 10 triệu chứng bệnh Alzheimer và biểu hiện qua từng giai đoạn
Bệnh về hệ thần kinh

10 triệu chứng bệnh Alzheimer và biểu hiện qua từng giai đoạn

Bệnh về hệ thần kinh

"Điểm mặt" các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK