Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai ở bà bầu tiềm ẩn nguy hiểm cho thai kỳ và em bé

Nếu không được điều trị, bệnh giang mai ở bà bầu có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, bệnh có khả năng dẫn đến các biến chứng thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu, trẻ tử vong ngay sau sinh hoặc làm tăng nguy cơ lây truyền cho thai nhi khiến trẻ bị giang mai bẩm sinh.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-03-16
Cập nhật ngày 2023-03-16
Nội dung chính
Bà bầu bị giang mai có biểu hiện gì?Bị giang mai khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ và em bé?Phương pháp chẩn đoán bệnh giang mai ở phụ nữ mang thaiLàm cách nào điều trị giang mai cho bà bầu?Phụ nữ cần làm gì để phòng ngừa giang mai trước và trong thai kỳ?
Bệnh giang mai ở bà bầu

Giang mai là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra và chủ yếu lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai và mắc bệnh giang mai thì em bé trong bụng có khả năng bị giang mai bẩm sinh do vi khuẩn từ mẹ truyền sang bé qua nhau thai. 

Vậy triệu chứng bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai là gì? Đâu là cách điều trị bệnh giang mai khi mang thai? Làm thế nào để phòng ngừa giang mai trước và trong thai kỳ? Bạn hãy dành vài phút xem qua bài viết bên dưới của Bowtie để có câu trả lời cho những băn khoăn này nhé!

Bà bầu bị giang mai có biểu hiện gì?

Quá trình phát triển của bệnh giang mai trải qua 4 giai đoạn và có thể kéo dài trong nhiều năm. Bà bầu có khả năng nhiễm vi khuẩn từ trước và mang thai trong khi mắc bệnh hoặc nhiễm khuẩn trong thai kỳ. 

Triệu chứng giang mai sẽ khác nhau ở mỗi giai đoạn. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh thường xuất hiện trong khoảng 10 – 90 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn (trung bình là 21 ngày). Theo từng giai đoạn, một số dấu hiệu của bệnh giang mai là:

Giang mai giai đoạn 1 (thời kỳ 1)

Ở giai đoạn 1, cơ thể bệnh nhân xuất hiện một hoặc nhiều vết loét không đau, nhỏ khoảng 1cm (còn được gọi là săng giang mai). Các vết loét này thường gặp ở những vị trí như âm đạo, cổ tử cung, miệng hoặc hậu môn. Đôi khi, chúng không được chú ý đến vì không gây đau và nằm ở những vị trí bị che khuất, khó nhìn thấy. 

Các vết loét này có thể tự biến mất sau 3 – 10 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và xử lý, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn sau và có khả năng lây truyền cho người khác. 

Giang mai giai đoạn 2 (thời kỳ 2)

Giai đoạn này xảy ra từ 7 đến 10 tuần sau khi nhiễm trùng ban đầu. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 6 tháng trở lên, bao gồm:

  • Phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngực hoặc lưng (đào ban)
  • Xuất hiện vết trợt màu trắng trong miệng, khoang mũi hoặc bộ phận sinh dục (mảng niêm mạc)
  • Xuất hiện sẩn giang mai màu hồng đỏ, có hình dạng bán cầu và viền vảy
  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách và bẹn
  • Đau họng
  • Rụng tóc
  • Giảm cân
  • Nhức đầu
  • Đau ở xương, cơ và khớp
  • Mệt mỏi
  • Các triệu chứng về thần kinh

Giang mai tiềm ẩn

Sau giai đoạn 2, các triệu chứng sẽ biến mất và bệnh chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn. Giai đoạn này có thể kéo dài trong vài năm và được chia thành 2 giai đoạn nhỏ là giang mai tiềm ẩn sớm (thời gian mắc ≤ 2 năm) và giang mai tiềm ẩn muộn (thời gian mắc > 2 năm).

Giang mai giai đoạn 3 (thời kỳ 3, giai đoạn cuối)

Giai đoạn này có thể khởi phát bất cứ lúc nào sau 5 – 20 năm kể từ khi bệnh nhân nhiễm bệnh. Ở giai đoạn 3, vi khuẩn có khả năng tấn công và làm tổn thương các bộ phận trong cơ thể như tim, não, tủy sống, mắt, xương… Do đó, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải sẽ phụ thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào hệ thần kinh hoặc mắt, gây giang mai thần kinh hoặc giang mai mắt. Các triệu chứng của giang mai thần kinh thường là đau đầu, gặp khó khăn khi cử động hoặc thực hiện các động tác phối hợp, thay đổi hành vi, tê liệt, mất trí nhớ và/hoặc các vấn đề về giác quan. Trong khi đó, các triệu chứng của bệnh giang mai mắt có thể bao gồm thay đổi thị lực, giảm phạm vi thị giác và/hoặc mù lòa.

Bị giang mai khi mang thai ảnh hưởng thế nào đến thai kỳ và em bé?

Nếu bà bầu bị giang mai thì em bé trong bụng có thể bị giang mai bẩm sinh do vi khuẩn từ mẹ truyền sang bé qua nhau thai. Sự lây nhiễm này có khả năng xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong thai kỳ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan của thai nhi hoặc khiến bé tử vong. 

Theo thống kê, nếu không được điều trị, tỷ lệ lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con là rất cao và trong đó, có khoảng 40% thai nhi nhiễm bệnh bị chết lưu hoặc tử vong sơ sinh. Nếu may mắn sống sót, thai nhi cũng phải đối mặt với các rủi ro như mắc giang mai bẩm sinh, sinh non, sinh nhẹ cân hoặc bị tổn thương các cơ quan, bao gồm tai, mắt, gan, da, xương và tim. 

Ngay sau khi sinh, bé bị nhiễm giang mai có thể không biểu hiện triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị ngay lập tức, trẻ có khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như chậm phát triển, co giật hoặc thậm chí tử vong trong vòng vài tuần.

Trước những biến chứng khôn lường của bệnh giang mai trên thai kỳ và em bé, nhiều phụ nữ tự hỏi “Bị bệnh giang mai có thai được không?”. Theo đó, phụ nữ nếu đang bị bệnh giang mai thì nên đảm bảo điều trị khỏi bệnh trước khi mang thai và sinh con. Điều này sẽ giúp bạn có một thai kỳ an toàn và bé sinh ra khỏe mạnh. 

Phương pháp chẩn đoán bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai

Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để xác nhận xem phụ nữ mang thai có mắc bệnh giang mai hay không. Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện các kháng thể do cơ thể tạo ra để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Nếu xét nghiệm dương tính, bệnh nhân có thể đang bị nhiễm hoặc đã từng bị nhiễm trước đây. Tuy nhiên, cơ thể thường sẽ mất khoảng 3 tháng để sản sinh kháng thể. Vì vậy, nếu bạn chỉ mới bị nhiễm trong thời gian gần đây thì kết quả xét nghiệm đôi khi không chính xác. 

Ngoài ra, một số xét nghiệm khác cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh giang mai ở bà bầu:

  • Xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen
  • Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA)
  • Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAATs)
  • Xét nghiệm nhanh chẩn đoán giang mai
Chẩn đoán bệnh giang mai ở bà bầu
Phụ nữ mang thai nên đến bệnh viện thăm khám ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

Làm cách nào điều trị giang mai cho bà bầu?

Bệnh giang mai ở bà bầu có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Theo Bộ Y tế, cách điều trị bệnh giang mai khi mang thai sẽ được quyết định dựa trên giai đoạn bệnh của từng bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân mắc giang mai giai đoạn sớm (thời gian bệnh ≤2 năm), phác đồ điều trị ưu tiên là thuốc benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị, được tiêm bắp sâu một liều duy nhất. Trong trường hợp không có benzathin penicillin, bác sĩ có thể thay thế bằng procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, được tiêm bắp sâu trong 10 ngày, mỗi ngày 1 lần. Còn nếu vẫn không có procain penicillin hoặc bệnh nhân dị ứng với các thuốc nhóm penicillin thì phác đồ điều trị giang mai cho bà bầu thay thế sẽ là một trong ba lựa chọn sau:

  • Ceftriaxon 1g, tiêm bắp sâu trong 10 – 14 ngày, 1 lần/ ngày
  • Erythromycin 500mg, uống trong 14 ngày, 4 liều/ ngày
  • Azithromycin 2g, uống một liều duy nhất

Nếu mắc giang mai giai đoạn muộn (thời gian bệnh > 2 năm), phác đồ điều trị giang mai ở phụ nữ có thai ưu tiên vẫn là benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị nhưng được tiêm bắp trong 3 tuần liên tiếp, mỗi tuần 1 lần. Trong trường hợp không có benzathin penicillin, procain penicillin 1,2 triệu đơn vị có thể được dùng thay thế bằng cách tiêm bắp sâu một lần mỗi ngày trong 20 ngày. Nếu không có procain penicillin hoặc bệnh nhân dị ứng penicillin, phác đồ thay thế cuối cùng là uống erythromycin 500mg trong 30 ngày, 4 lần/ ngày.

Phụ nữ cần làm gì để phòng ngừa giang mai trước và trong thai kỳ?

Quan hệ tình dục an toàn là cách tốt nhất để ngăn ngừa giang mai ở nữ giới nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng. Cụ thể, bạn sẽ cần lưu ý một số điều như:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Luôn sử dụng tấm chắn miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng
  • Chỉ quan hệ tình dục với một người 
  • Tránh quan hệ tình dục với người bị nhiễm giang mai hoặc người có triệu chứng giang mai cho đến khi họ khỏi bệnh
  • Thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên, đặc biệt trước và trong thai kỳ

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh giang mai ở bà bầu. Trong quá trình mang thai, bạn nên khám sàng lọc và siêu âm thường xuyên. Điều này rất quan trọng đối với sự an toàn của bé. Nếu em bé mắc bệnh giang mai từ mẹ, việc phát hiện và điều trị sớm là rất cần thiết để giảm nguy cơ thai chết lưu và những ảnh hưởng lâu dài của bệnh đến sức khỏe của trẻ.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Táo bón lâu ngày có nguy hiểm không và cách điều trị Táo bón lâu ngày có nguy hiểm không và cách điều trị
Các bệnh lý khác

Táo bón lâu ngày có nguy hiểm không và cách điều trị

Phát hiện ngay các triệu chứng xơ gan nguy hiểm Phát hiện ngay các triệu chứng xơ gan nguy hiểm
Các bệnh lý khác

Phát hiện ngay các triệu chứng xơ gan nguy hiểm

Xét nghiệm bệnh giang mai ở đâu? Tham khảo ngay 11 địa chỉ uy tín Xét nghiệm bệnh giang mai ở đâu? Tham khảo ngay 11 địa chỉ uy tín
Các bệnh lý khác

Xét nghiệm bệnh giang mai ở đâu? Tham khảo ngay 11 địa chỉ uy tín

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK