Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Bệnh cơ tim: Những vấn đề bất thường ở cơ tim

Bệnh cơ tim có thể gây ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong mọi độ tuổi với nhiều biến chứng khó lường. Nghiêm trọng hơn hết là nguy cơ đe dọa tính mạng cao nếu không được chẩn đoán và can thiệp phù hợp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-11-30
Cập nhật ngày 2023-05-16
Nội dung chính
Bệnh cơ tim là gì?Các bệnh cơ tim phổ biếnDấu hiệu bệnh cơ timNguyên nhân, yếu tố nguy cơBệnh cơ tim nguy hiểm thế nào?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim: Những vấn đề bất thường ở cơ tim

Để tìm hiểu rõ hơn bệnh cơ tim là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, mời bạn hãy cùng Bảo hiểm trực tuyến Bowtie theo dõi các nội dung trong bài viết dưới đây.

Bệnh cơ tim là gì?

Bệnh cơ tim là thuật ngữ chung dùng để chỉ các tình trạng bất thường gây ảnh hưởng đến cơ tim. Trong đó, cơ tim có thể bị căng ra, trở nên suy yếu hoặc gặp các vấn đề về cấu trúc khác khiến tim không thể duy trì chức năng bơm máu bình thường. 

Các bệnh liên quan đến cơ tim có thể tiến triển và tồi tệ dần theo thời gian, nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Các bệnh cơ tim phổ biến

Bệnh cơ tim có thể bao gồm nhiều loại, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, một số bệnh phổ biến có thể kể đến là:

  • Bệnh cơ tim giãn: Là tình trạng các buồng bơm máu (tâm thất) của tim bị mở rộng và không còn khả năng đưa máu đi khắp cơ thể. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi nhưng thường gặp phải ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là nam giới.
  • Bệnh cơ tim phì đại: Sự dày lên bất thường của cơ tim có thể gây khó khăn cho quá trình lưu thông máu từ tim. Tình trạng này có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu xảy ra trong thời thơ ấu. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán phì đại cơ tim đều có tiền sử gia đình mắc bệnh. 
  • Bệnh cơ tim hạn chế: Là tình trạng cơ tim trở nên cứng và kém linh hoạt, dẫn đến buồng tim không thể giãn ra hoàn toàn để chứa đầy máu. Bệnh thường phổ biến hơn ở người lớn tuổi.  
  • Bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp (ARVC): ARVC xảy ra khi các cơ tim ở tâm thất phải bị thay thế bằng mô sẹo, từ đó làm xuất hiện các vấn đề về nhịp tim. Nguyên nhân gây ARVC chủ yếu đến từ các thay đổi mang tính di truyền.

Ngoài ra, còn một số bệnh lý cơ tim khác ít phổ biến hơn và không được phân loại, bao gồm: bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim chu sinh, bệnh cơ tim do hóa trị liệu, hội chứng trái tim tan vỡ (tim to tạm thời),…

Dấu hiệu bệnh cơ tim

Một số người mắc bệnh cơ tim không phát triển triệu chứng, trong khi những người khác có thể gặp phải các biểu hiện khi bệnh tiến triển, bao gồm: 

  • Khó thở khi hoạt động thể chất hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Nghe thấy tiếng thổi tim
  • Sưng bắp chân, mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Chướng bụng do tích tụ chất lỏng
  • Ho khi nằm
  • Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực
  • Đau tức ngực, đặc biệt là sau khi gắng sức hoặc ăn nhiều
  • Mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt và ngất xỉu
Dấu hiệu bệnh cơ tim
Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi có thể là một dấu hiệu của bệnh cơ tim.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Thông thường, nguyên nhân gây ra bệnh cơ tim không được xác định rõ, nhưng chúng có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc một số tình trạng mắc phải khác như:

  • Bệnh rối loạn mô liên kết và các bệnh tự miễn khác
  • Bệnh tim mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim
  • Bệnh thừa sắt (bệnh hemochromatosis)
  • Bệnh u hạt tế bào (bệnh sarcoidosis)
  • Bệnh thoái hóa tinh bột (bệnh amyloidosis)
  • Bệnh nội tiết, bao gồm cả bệnh tuyến giáp và bệnh đái tháo đường
  • Bệnh loạn dưỡng cơ
  • Bất thường ở van tim
  • Bệnh nhiễm trùng trong cơ tim

Bên cạnh đó, nguy cơ phát triển các bệnh cơ tim có thể tăng lên do sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm: 

  • Tiền sử gia đình có người bị suy tim, bệnh cơ tim hoặc ngừng tim đột ngột
  • Huyết áp cao, nhịp tim nhanh kéo dài
  • Rối loạn chuyển hóa, béo phì, tăng cholesterol
  • Thiếu vitamin hoặc khoáng chất thiết yếu trong chế độ ăn uống, ví dụ như thiamin (vitamin B1)
  • Biến chứng khi mang thai
  • Hóa trị và xạ trị để điều trị ung thư
  • Nghiện rượu trong thời gian dài

Bệnh cơ tim nguy hiểm thế nào?

Nếu không có phương pháp kiểm soát hiệu quả, các bệnh liên quan đến cơ tim có thể diễn biến xấu đi và dẫn đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm, bao gồm:

  • Suy tim: Tim lúc này không còn đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu vẫn không được điều trị, suy tim kéo dài có thể gây tử vong. 
  • Các cục máu đông: Sự trì trệ trong việc bơm máu có thể làm xuất hiện cục máu đông. Cục máu đông có khả năng ngăn chặn dòng máu đến các cơ quan khác.
  • Các vấn đề về van tim: Bệnh cơ tim phì đại có thể khiến các van không được đóng đúng cách, dẫn đến tình trạng rò rỉ máu ngược trở lại qua van. 
  • Ngừng tim và đột tử: Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng do bệnh cơ tim có thể gây ngất xỉu và ngừng tim, trong một số trường hợp sẽ dẫn đến đột tử.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh cơ tim, bác sĩ thường bắt đầu từ việc thăm hỏi bệnh sử của bệnh nhân và gia đình, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải cũng như tiến hành nghe tim phổi bằng ống nghe. Trường hợp nghi ngờ bệnh nhân mắc phải các bệnh liên quan đến cơ tim, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành một loạt xét nghiệm, kiểm tra để thu thập đầy đủ thông tin cho việc chẩn đoán. Các kiểm tra, xét nghiệm này thường là:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Kiểm tra hình ảnh lồng ngực và tim: Siêu âm tim, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG)
  • Chụp động mạch vành (PDF)
  • Thông tim
  • Sinh thiết cơ tim
  • Xét nghiệm di truyền
  • Thực hiện bài kiểm tra gắng sức
Phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim
Bệnh cơ tim có thể được chẩn đoán bằng phương pháp siêu âm tim.

Phương pháp điều trị

Hiện bệnh cơ tim chưa có phương pháp để chữa khỏi hoàn toàn. Mục tiêu chính của việc điều trị là làm chậm sự phát triển của bệnh, đồng thời kiểm soát các triệu chứng nhằm duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh cơ tim bao gồm:

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc được chỉ định có thể giúp bệnh nhân cải thiện lưu lượng máu và điều trị các tình trạng mắc phải khác. Phổ biến là các thuốc làm loãng máu, thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc làm giảm cholesterol trong máu. 

Phẫu thuật

Để cải thiện chức năng tim và làm giảm các triệu chứng, một số thiết bị nhân tạo có thể được cấy ghép vào cơ thể thông qua phương pháp phẫu thuật, ví dụ như:

  • Thiết bị khử rung tim cấy ghép (ICD): Máy không có tác dụng điều trị bệnh cơ tim. Thay vào đó, máy sẽ theo dõi nhịp tim và tạo ra những cú sốc điện khi cần thiết để kiểm soát tình trạng rối loạn nhịp tim. 
  • Thiết bị hỗ trợ tâm thất (VAD): Khi các phương pháp ít xâm lấn không đạt hiệu quả như mong muốn, bệnh nhân có thể được cân nhắc cấy ghép máy VAD để giúp tim bơm máu tốt hơn và cải thiện lưu lượng máu qua tim.
  • Thiết bị tạo nhịp tim: Đây là một máy nhỏ được đặt dưới da ở vùng ngực hoặc bụng. Chúng sử dụng xung điện để kiểm soát tình trạng loạn nhịp tim tương tự như thiết bị khử rung tim cấy ghép (ICD). 

Với trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và có nhiều yếu tố nguy cơ tiềm ẩn thì phẫu thuật tim hở là lựa chọn cuối cùng, khi những phương pháp khác không thành công:

  • Phẫu thuật cắt cơ vách ngăn: Một phần cơ tim dày lên ngăn cách hai buồng tâm thất có thể bị loại bỏ, giúp cải thiện lưu lượng máu qua tim và giảm nguy cơ hở van hai lá.
  • Phẫu thuật ghép tim: Bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, không còn kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị khác có thể cần một quả tim mới để duy trì sự sống.

Cách phòng ngừa bệnh cơ tim

Không có biện pháp phòng ngừa nào có thể ngăn chặn bệnh cơ tim liên quan đến các yếu tố di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nhẹ nguy cơ mắc bệnh cơ tim do những nguyên nhân khác bằng một số cách như sau: 

  • Xây dựng lối sống lành mạnh
  • Tránh sử dụng rượu và/hoặc các chất kích thích
  • Tuân thủ việc dùng thuốc để kiểm soát hiệu quả các tình trạng tăng huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường
  • Chế độ ăn hạn chế muối, có lợi cho tim mạch
  • Duy trì việc luyện tập thể dục thường xuyên
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc
  • Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức

Như vậy, thông qua bài viết, Bowtie hy vọng bạn đã hiểu hơn về bệnh cơ tim cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe. Bất cứ khi nào gặp phải các biểu hiện khác thường, bạn đừng ngần ngại mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Các bệnh về van tim thường gặp Các bệnh về van tim thường gặp
Bệnh tim mạch

Các bệnh về van tim thường gặp

Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Mối nguy cao nếu phát hiện muộn Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Mối nguy cao nếu phát hiện muộn
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp ở người cao tuổi: Mối nguy cao nếu phát hiện muộn

Chế độ ăn cho người tăng huyết áp: Nên ăn gì? Cần tránh những gì? Chế độ ăn cho người tăng huyết áp: Nên ăn gì? Cần tránh những gì?
Bệnh tim mạch

Chế độ ăn cho người tăng huyết áp: Nên ăn gì? Cần tránh những gì?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK