Nhi khoa
Nhi khoa

Cùng bố mẹ tìm nguyên nhân bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn

Bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn là tình trạng rất thường gặp. Điều này không chỉ khiến cả nhà ngủ không yên mà còn làm bố mẹ lo lắng vì không biết bé bị làm sao và liệu có đang gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không. Hiểu được lý do dẫn đến tình trạng này sẽ giúp bố mẹ yên tâm hơn cũng như có cách giúp bé yêu ngủ ngon, ít quấy khóc.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-30
Cập nhật ngày 2023-06-01
Nội dung chính
Nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộnMách bố mẹ cách giúp bé ngủ ngon hơn, ít quấy khóc và lăn lộn
Cùng bố mẹ tìm nguyên nhân bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn

Trong bài viết này, Bowtie sẽ chia sẻ với bạn một vài “thủ phạm” thường gặp khiến bé ngủ không ngon, hay lăn lộn, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ cũng như những tuyệt chiêu giúp bố mẹ giải quyết “êm thấm” tình trạng này. 

Nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn

Đối với nhiều bậc phụ huynh, có lẽ chăm sóc giấc ngủ cho con là điều gây đau đầu nhiều nhất, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bởi ban đêm, nếu bé không ngủ, ngủ không ngon, bé sẽ quấy khóc, khó chịu và khiến cả nhà phải thức giấc theo. Chính vì vậy, khi thấy các biểu hiện như trẻ không ngủ sâu giấc, trẻ quấy khóc khó ngủ, trẻ ngủ không ngon, bố mẹ cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé cũng như cả gia đình. Dưới đây là một số “thủ phạm” khiến bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn mà bạn có thể nghĩ đến:

1. Bé đói

Đây là “thủ phạm” thường gặp nhất khiến bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn. Nếu bé còn nhỏ, dạ dày chưa đủ to để chứa một lượng thức ăn lớn. Vì vậy, bé cần được bú rất thường xuyên. Điều đó có nghĩa là bé sẽ rất dễ thức giấc vì đói và cần được bố mẹ cho bú thêm. Thậm chí, dù bạn chỉ vừa cho bé bú vài giờ trước đó nhưng nếu bé có biểu hiện quấy khóc, khó ngủ, bạn vẫn nên kiểm tra nguyên nhân này. 

Đối với các bé lớn, nếu ăn không đủ no vào buổi tối, bụng cũng có thể “cồn cào”, khó chịu và khiến bé ngủ không ngon. Ngược lại, nếu bé ăn một bữa tối quá nhiều, quá “thịnh soạn” thì cũng có khả năng mất ngủ do khó tiêu, chướng bụng.

2. Môi trường ngủ khiến bé cảm thấy không an toàn, thoải mái

Theo hướng dẫn của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), khi ngủ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được đặt nằm ngửa trên bề mặt phẳng, không có đồ chơi, mền, gối, chăn hoặc những vật dụng khác xung quanh. Tuy nhiên, nếu bạn đặt bé nằm theo tư thế này trên đệm hoặc nôi, bé có thể có phản xạ giật mình, ngủ không sâu giấc. Nguyên nhân là do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường cảm thấy không an toàn khi được đặt nằm ngửa.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến trẻ ngủ không ngon cũng có thể đến từ môi trường xung quanh. Chẳng hạn, nhiệt độ phòng quá lạnh hoặc quá nóng, ánh sáng quá mạnh, không gian thiếu yên tĩnh… cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.

Bên cạnh đó, đối với một số bé lớn, nguyên nhân bị khó ngủ đôi khi do trong phòng có các vật dụng khiến bé phân tâm như đồng hồ, TV, các thiết bị điện tử… Hoặc đơn giản hơn, bé cũng có thể trằn trọc, khó ngủ do thiếu các món đồ “ghiền” như gối ghiền, gấu nhồi bông, chăn…

3. Ngủ ngày nhiều

Nếu bạn mãi mà vẫn không tìm được nguyên nhân khiến trẻ ngủ không sâu giấc, bứt rứt khó ngủ, vậy hãy thử nghĩ đến việc bạn có đang cho bé ngủ ngày quá nhiều hay không. Thông thường, nếu không được ngủ trưa theo đúng lịch trình mỗi ngày hoặc ngủ quá nhiều, trẻ có thể cảm thấy không buồn ngủ vào buổi tối. Ngược lại, nếu ngủ không đủ vào ban ngày, bé cũng có khả năng cảm thấy “quá mệt” và khó ngủ vào ban đêm.

4. Cần thay tã

Tã bẩn gây khó chịu, ngứa ngáy cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ ngủ không sâu giấc. Ngoài ra, việc trẻ dùng tã bẩn trong thời gian dài cũng dẫn đến hăm tã. Do đó, nếu thấy con có biểu hiện ngủ không sâu giấc, hay lăn lộn, bạn hãy thử kiểm tra xem liệu tã có phải là “thủ phạm” không nhé!

5. Cơ thể khó chịu

Bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn cũng có thể là do cơ thể khó chịu, mệt mỏi, không thoải mái vì một số vấn đề sức khỏe. Tình trạng này sẽ rất thường gặp khi trẻ:

  • Bước vào giai đoạn mọc răng
  • Bị cảm lạnh hoặc dị ứng
  • Bị đầy hơi
  • Bị táo bón

6. Cảm giác “thiếu hơi” bố mẹ

Một số bé rất “bám” bố mẹ và điều này khiến bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn nếu không có bố mẹ ở bên. Nếu nghi ngờ bé cưng nhà mình ngủ không ngon giấc do nguyên nhân này, bạn hãy thử chuyển nôi, cũi của bé vào phòng của bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý là nên tránh để bé nằm chung giường với bạn nhé!

7. Gặp ác mộng

Trẻ nhỏ rất hay gặp ác mộng. Điều này là bình thường và hoàn toàn vô hại. Nếu trẻ giật mình tỉnh giấc sau cơn ác mộng và trằn trọc, khó ngủ lại, bạn hãy nhẹ nhàng vỗ về bé. Còn nếu bé khó ngủ, hay lăn lộn vì sợ gặp ác mộng mỗi đêm, bạn hãy cố gắng an ủi và chia sẻ với bé rằng đó chỉ là giấc mơ và không có thật. Trường hợp bé gặp ác mộng thường xuyên, bạn hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nhé!

Bài viết liên quan:

Bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn do gặp ác mộng
Nhiều bé có thể ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn vì gặp ác mộng.

8. Các bệnh lý

Ngoài các nguyên nhân kể trên, trẻ ngủ không sâu giấc, hay quấy khóc về đêm còn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý như:

  • Thiếu chất: Việc thiếu các chất như kẽm, sắt, magie có thể khiến bé bị rối loạn giấc ngủ, ngủ không sâu giấc về đêm.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường mũi họng: Các tình trạng này thường gây ra vấn đề ở mũi và họng khiến bé gặp khó khăn khi thở, phải thở bằng miệng, từ đó gây khó ngủ. 
  • Các bệnh lý nội khoa: Một số bệnh lý nội khoa như viêm tai giữa, trào ngược dạ dày – thực quản hoặc các bệnh về tâm thần… cũng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
  • Béo phì: Khi bị béo phì, mỡ thừa ở cổ, ngực hoặc bụng có thể khiến bé khó thở sâu và sản sinh ra hormone ảnh hưởng đến cách thở của trẻ. Điều này khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình thở khi ngủ, từ đó cũng dẫn đến khó ngủ, ngủ không sâu giấc. 

Nếu đã thử hết các biện pháp mà bé vẫn hay gặp phải tình trạng khó ngủ, quấy khóc về đêm, tốt nhất bạn nên đưa con đi khám để xem bé có đang gặp phải những vấn đề sức khỏe kể trên không nhé!

Mách bố mẹ cách giúp bé ngủ ngon hơn, ít quấy khóc và lăn lộn

Nếu thấy bé có các biểu hiện ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn, bạn có thể thử áp dụng một số mẹo sau để giúp bé ngủ ngon hơn:

  • Đảm bảo cho bé ăn đủ số bữa hoặc bú đủ số cữ trong ngày để tránh tình trạng bị đói bụng vào ban đêm. Với các bé nhỏ, bé sẽ thức giấc nhiều lần trong đêm để đòi bú. Bạn hãy cố gắng cho bé bú ngay khi thức để tránh tình trạng bé bị đói nhé!
  • Tuân thủ một thời gian biểu đi ngủ và thức dậy nhất quán. Đối với việc ngủ trưa hoặc ngủ ngắn trong ngày, bạn chỉ nên để bé ngủ theo đúng thời gian khuyến nghị, tránh để bé ngủ quá ít hay quá nhiều. Còn đối với bé trên 5 tuổi, bạn đừng để bé ngủ trưa quá 20 phút và ngủ sau 1 giờ chiều. Việc ngủ quá lâu và quá muộn sẽ khiến bé khó ngủ vào ban đêm.
  • Xây dựng các thói quen đi ngủ mỗi ngày như tắm nước ấm để giúp con thư giãn, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đọc sách, kể chuyện cho bé nghe hoặc tâm sự, trò chuyện về những vấn đề ở trường, ở lớp. Điều quan trọng là bạn sẽ cần duy trì cho bé các hoạt động này mỗi ngày như một thói quen.
  • Tạo cho bé một môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh với nhiệt độ phù hợp. Trong phòng ngủ của bé nên tránh để các vật dụng gây “phiền nhiễu” như đồng hồ, TV… Nếu bé thích gối hoặc gấu nhồi bông, bạn hãy để bên cạnh bé. Với các bé nhỏ, nếu việc nằm ngửa khiến con hay giật mình, bạn có thể quấn bé lại bằng khăn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện điều này cho đến khi bé biết lật, lăn thôi nhé!
  • Khuyến khích bé vận động, chơi thể thao, tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày. Điều này sẽ giúp bé tiêu hao nhiều năng lượng và ngủ ngon hơn vào ban đêm.
  • Hạn chế cho bé tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng… ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ vì ánh sáng xanh từ các thiết bị này có thể ức chế hormone melatonin – hormone giúp điều hòa giấc ngủ.
  • Hạn chế cho bé dùng các thức uống chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực, nước ngọt có ga… ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ.
  • Nếu bạn để ý bé hay đi tiểu hoặc “ị” vào ban đêm khiến tã bẩn, vậy hãy thay cho bé vào trước lần bú cuối cùng hoặc lúc nửa đêm. Nếu bé thức giấc, bạn hãy kiểm tra ngay xem tã của bé có bị dơ không. Nếu có, hãy thay ngay cho bé nhé!

Qua những chia sẻ trên, Bowtie hy vọng bạn đã có thể “bỏ túi” cho mình một vài thông tin hữu ích về nguyên nhân khiến bé ngủ không ngon giấc, hay lăn lộn. Nếu bé có những biểu hiện này thường xuyên và vẫn không cải thiện dù bạn đã làm mọi cách hoặc bé có các triệu chứng khác bất thường đi cùng, bạn hãy cho bé đi khám để xác định nguyên nhân chính xác và có hướng can thiệp phù hợp.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết 16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết
Nhi khoa

16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết

Lợi ích vàng của dầu cá hồi cho bé ăn dặm: Loại nào tốt? Lợi ích vàng của dầu cá hồi cho bé ăn dặm: Loại nào tốt?
Nhi khoa

Lợi ích vàng của dầu cá hồi cho bé ăn dặm: Loại nào tốt?

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc
Nhi khoa

Trẻ ngủ bao nhiêu tiếng một ngày là đủ? Mẹo giúp trẻ ngủ ngon, sâu giấc

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK