Nhi khoa
Nhi khoa

Bé bị nghẹt mũi về đêm: Bố mẹ đã biết lý do và cách xử lý chưa?

Trẻ bị nghẹt mũi về đêm có thể dẫn đến quấy khóc, khó chịu và ngủ không ngon. Việc hiểu rõ nguyên nhân khiến bé bị nghẹt mũi về đêm sẽ giúp bạn có cách xử lý hiệu quả nhằm giảm khó chịu cho bé.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-05-31
Cập nhật ngày 2023-08-29
Nội dung chính
Vì sao trẻ hay bị nghẹt mũi về đêm?Khi trẻ em bị nghẹt mũi về đêm thì bố mẹ phải làm sao?Khi nào bố mẹ cần đưa bé đi thăm khám?
Bé bị nghẹt mũi về đêm: Bố mẹ đã biết lý do và cách xử lý chưa?

Vậy bé bị nghẹt mũi về đêm là do đâu? Trẻ hay bị ngạt mũi về đêm phải làm sao? Bé bị nghẹt mũi vào ban đêm khi nào cần đi khám? Mời bạn cùng dành vài phút theo dõi những chia sẻ bên dưới của Bowtie để phần nào có lời giải đáp cho những băn khoăn này nhé!

Vì sao trẻ hay bị nghẹt mũi về đêm?

Nguyên nhân gây nghẹt mũi về đêm ở trẻ rất đa dạng. Trên thực tế, các nguyên nhân này có thể gây nghẹt mũi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, tình trạng nghẹt mũi của trẻ có xu hướng tồi tệ hơn vào ban đêm, khi trẻ nằm ngủ. 

Khi trẻ nằm, trọng lực sẽ không hỗ trợ đẩy dịch nhầy ra khỏi mũi. Điều này khiến dịch nhầy tích tụ trong khoang mũi khi trẻ ngủ và dẫn đến nghẹt mũi. Ngoài ra, khi nằm, máu sẽ chảy lên đầu nhiều hơn. Điều này càng khiến các mạch máu trong mũi bị viêm nhiều thêm.

Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp có thể khiến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị nghẹt mũi về đêm:

Nhiễm trùng

Trẻ nhỏ nhiễm virus hoặc vi khuẩn có thể khiến niêm mạc mũi bị viêm, gây chảy nước mũi và dẫn đến nghẹt mũi. Dưới đây là một số bệnh lý nhiễm trùng thường gặp có khả năng là “thủ phạm” gây nghẹt mũi về đêm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

  • Cảm lạnh: Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của cảm lạnh. Có hàng trăm loại virus gây ra cảm lạnh, trong đó phổ biến nhất là rhinovirus. Bạn có thể nghi ngờ bé hay bị ngạt mũi, khó thở về đêm do cảm lạnh nếu con có các biểu hiện như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, sốt, mệt mỏi, đau họng, đau đầu…
  • Cúm: Đây cũng là một bệnh do virus gây ra và cũng là nguyên nhân khiến bé bị nghẹt mũi về đêm rất thường gặp. Ngoài nghẹt mũi, bé bị cúm cũng có thể biểu hiện thêm các triệu chứng khác như sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho khan, đau họng, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…
  • Viêm xoang: Đây là tình trạng hay “xuất hiện” sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc cúm. Viêm xoang là hiện tượng viêm niêm mạc trong các xoang và có thể dẫn đến triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi. Ngoài ra, một số triệu chứng khác mà trẻ có thể gặp phải là đau hoặc nhạy cảm ở má, mắt, trán, đầu và răng, giảm khứu giác, sốt cao, hơi thở có mùi hôi, đau họng, khó chịu, khó bú…
  • Viêm tiểu phế quản: Đây là bệnh nhiễm trùng khá thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và có thể dẫn đến sổ mũi, chảy mũi, nghẹt mũi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh thường giống như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, nếu bị viêm tiểu phế quản, trẻ có thể gặp một số biểu hiện khác như sốt nhẹ, ho khan và dai dẳng, khó bú, thở nhanh, thở khò khè…

Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng

Khi trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, bụi, nấm mốc, vảy da thú cưng…, hệ miễn dịch có khả năng sản sinh ra các kháng thể Immunoglobulin E (IgE) để phản ứng lại với những tác nhân gây dị ứng này. Khi lượng IgE tăng lên, cơ thể sản sinh ra histamine và các chất trung gian khác gây viêm mũi dị ứng, từ đó dẫn đến các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ho, khó thở… 

Nếu tình trạng nghẹt mũi về đêm của trẻ là do dị ứng, bạn sẽ thấy trẻ có biểu hiện nghẹt mũi nhiều và nặng hơn về đêm. Nguyên nhân là do vào ban đêm, cơ thể sẽ tạo ra ít hormone điều chỉnh các phản ứng dị ứng hơn. Điều này khiến trẻ dễ gặp phải các triệu chứng dị ứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi…

Thực tế, đôi lúc, bố mẹ sẽ khó nhận biết bé bị nghẹt mũi về đêm là do viêm mũi dị ứng hay cảm lạnh bởi các dấu hiệu của hai tình trạng này thường giống nhau. Bowtie mách bạn một cách nhận diện đơn giản đó là bạn hãy kiểm tra màu của nước mũi hay dịch mũi. Nếu nước mũi của bé trong, hơi loãng thì nhiều khả năng bé bị nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng.

Thời tiết lạnh

Trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi về đêm cũng có thể là do thời tiết lạnh. Khi tiếp xúc với không khí lạnh, cơ thể sẽ “tự động” sản xuất thêm chất nhầy để làm ấm và giữ ẩm không khí đi qua đường mũi. Điều này sẽ giúp bảo vệ màng nhầy trong mũi khỏi bị tổn thương do không khí lạnh. Ngoài ra, nó cũng giúp bảo vệ các tiểu phế quản trong phổi. Việc sản xuất nhiều chất nhầy sẽ dẫn đến nghẹt mũi. 

Thời tiết lạnh khiến bé bị nghẹt mũi về đêm
Thời tiết lạnh có thể khiến bé bị nghẹt mũi, đặc biệt vào ban đêm.

Không khí khô

Không khí khô cũng có thể là “thủ phạm” khiến trẻ nghẹt mũi vào ban đêm. Bởi tương tự như thời tiết lạnh, không khí khô sẽ kích thích niêm mạc mũi sản xuất thêm chất nhầy để làm ẩm đường thở, từ đó dễ dẫn đến nghẹt mũi. 

Ngoài ra, khi mũi bị nghẹt, trẻ sẽ bắt đầu thở bằng miệng. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ bị đau họng, khó chịu vào buổi sáng. 

Mọc răng

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhiều bố mẹ chia sẻ rằng bé sẽ hay bị nghẹt mũi về đêm, sốt ở giai đoạn trước khi mọc răng. Tuy nhiên, các chuyên gia y khoa lại cho rằng hai tình trạng này không liên quan trực tiếp với nhau. 

Cụ thể, một số chuyên gia y khoa cho rằng mọc răng không gây sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, tiêu chảy hoặc hăm tã. Tuy nhiên, một số lại cho rằng giữa các tình trạng này sẽ có mối liên hệ gián tiếp. Việc căng thẳng, khó chịu khi mọc răng có thể khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn và từ đó dẫn đến các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi. Ngoài ra, trong giai đoạn mọc răng, bé cũng có xu hướng hay cho đồ vật vào miệng. Điều này cũng khiến virus, vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể và gây ra các bệnh lý nhiễm trùng.

Bài viết liên quan:

Khi trẻ em bị nghẹt mũi về đêm thì bố mẹ phải làm sao?

Nếu bé bị nghẹt mũi về đêm, bạn có thể thử áp dụng các mẹo sau để giúp bé bớt khó chịu và ngủ ngon hơn:

  • Dùng thêm gối hoặc nâng đầu giường để trẻ nâng cao đầu khi ngủ. Việc này sẽ giúp dịch nhầy dễ chảy ra ngoài hơn thay vì tích tụ trong khoang mũi. Tuy nhiên, bạn cần chú ý theo dõi để tránh bé bị ngạt khi nằm gối quá cao nhé.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương trong phòng ngủ của bé để đảm bảo độ ẩm của không khí trong phòng. Tuy nhiên, bạn nên tránh để độ ẩm quá cao vì như vậy có thể làm tăng nguy cơ phát triển nấm mốc.
  • Cho bé bú hoặc uống nước nhiều hơn bình thường để cung cấp chất lỏng cho cơ thể. Đối với bé lớn, bố mẹ có thể cho bé dùng các loại thức ăn, đồ uống ấm như trà ấm, nước súp…
  • Vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Khi vệ sinh mũi cho bé, bạn có thể dùng bình rửa mũi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chọn loại bình rửa mũi phù hợp với độ tuổi của bé và không nên lạm dụng việc rửa mũi vì sẽ làm triệu chứng trầm trọng hơn.
  • Hút dịch mũi. Với các bé nhỏ, chưa thể xì mũi, bố mẹ nên hút dịch mũi cho trẻ để giảm tình trạng khó chịu và giúp bé dễ thở hơn. Theo đó, bố mẹ hãy nhỏ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào lỗ mũi của trẻ để làm loãng dịch nhầy, sau đó đưa dụng cụ hút mũi vào bên trong để hút dịch mũi.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh bé định kỳ để hạn chế tác nhân gây dị ứng khiến bé bị nghẹt mũi. Cụ thể, bố mẹ nên thường xuyên lau chùi và quét dọn nhà cửa, đồng thời vệ sinh chăn ga, gối nệm để tránh nấm mốc, mạt bụi phát triển. Ngoài ra, bạn cũng có thể trang bị máy lọc không khí để giảm thiểu tác nhân gây dị ứng có trong không khí.
  • Không để bé chơi trong môi trường có khói thuốc hoặc để ai đó hút thuốc trong phòng ngủ, không gian sinh hoạt của bé. Bởi khói thuốc lá có thể làm cho tình trạng nghẹt mũi, ho trở nên nặng hơn.
  • Massage nhẹ nhàng vùng mặt cho bé để giúp bé giảm nghẹt mũi. Bạn có thể xoa nhẹ sống mũi, lông mày, gò má, chân tóc và dưới đầu để xoa dịu bé khi bé bị nghẹt mũi, quấy khóc.
  • Xông hơi mũi. Phương pháp này phù hợp để giảm nghẹt mũi về đêm cho trẻ trên 3 tuổi. Bố mẹ có thể cho bé xông hơi bằng nước ấm để làm loãng dịch nhầy và giúp khoang mũi thông thoáng. Khi xông, bố mẹ hãy cho thêm vài lát gừng hoặc dầu khuynh diệp để tăng hiệu quả. 
  • Làm ấm cơ thể. Việc làm ấm cơ thể sẽ giúp hạn chế tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi ở trẻ em. Việc này cũng góp phần làm giảm nguy cơ gặp phải các bệnh lý về đường hô hấp cho trẻ. 
Khi bé bị nghẹt mũi về đêm thì bố mẹ phải làm sao?
Khi bé bị nghẹt mũi về đêm, bạn nên cố gắng cho bé uống nhiều nước.

Khi nào bố mẹ cần đưa bé đi thăm khám?

Thông thường, tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nghẹt mũi về đêm có thể nhanh chóng biến mất sau khi đã hết bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn thấy sau vài ngày mà tình trạng nghẹt mũi của bé vẫn còn, không có dấu hiệu cải thiện hoặc ngày một nghiêm trọng hơn thì bạn nên cho bé đi khám. Ngoài ra, bạn cũng nên sắp xếp thời gian đưa bé đi khám ngay nếu bé có các biểu hiện như:

  • Sốt
  • Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn hoặc bé xuất hiện thêm các triệu chứng mới 
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi kéo dài hơn 10 đến 14 ngày
  • Thở nhanh, trong đó trẻ sơ sinh đến 6 tuần tuổi thở nhanh hơn 60 nhịp thở mỗi phút, trẻ từ 6 tuần đến 2 tuổi thở nhanh hơn 45 nhịp mỗi phút
  • Bé ăn, uống ít hơn hoặc gặp khó khăn khi bú
  • Bé đi tiểu ít hơn bình thường
  • Trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thường xuyên kéo, chạm vào tai hoặc có vẻ bị đau tai
  • Bé không hoạt bát, hiếu động như bình thường hoặc có vẻ rất mệt mỏi

Ngoài ra, nếu bé có các triệu chứng sau, bố mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay:

  • Con có dấu hiệu khó thở nghiêm trọng
  • Bé có biểu cảm hoảng sợ
  • Bé rên khó chịu vào cuối các nhịp thở
  • Trẻ thở mạnh ra tiếng
  • Trẻ không thể bú do thở khó khăn hoặc quá nhanh
  • Da bé thay đổi màu sắc, nhất là vùng quanh môi và móng tay

Trên đây là một số thông tin về tình trạng bé bị nghẹt mũi về đêm mà Bowtie muốn chia sẻ cùng bạn. Thực tế, ở trẻ nhỏ, nghẹt mũi là một biểu hiện rất thường gặp và nguyên nhân gây ra thì cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần chú ý theo dõi sát sao. Nếu bé có biểu hiện bất thường hoặc tình trạng nghẹt mũi về đêm không cải thiện dù bạn đã thử mọi cách, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Trẻ bị sốt, ngủ hay giật mình: Lý do vì đâu, có nguy hiểm không? Trẻ bị sốt, ngủ hay giật mình: Lý do vì đâu, có nguy hiểm không?
Nhi khoa

Trẻ bị sốt, ngủ hay giật mình: Lý do vì đâu, có nguy hiểm không?

Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân? Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân?
Nhi khoa

Trẻ ngủ thở ra tiếng: Bố mẹ đã biết rõ nguyên nhân?

16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết 16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết
Nhi khoa

16 lý do khiến bé bị đau bụng và cách xử lý nhanh bố mẹ cần biết

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK