Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Mất ngủ bấm huyệt nào để dễ ngủ? Thử ngay 10 huyệt trị mất ngủ sau

Bấm huyệt để trị mất ngủ cũng là một cách được khá nhiều người thử áp dụng để có giấc ngủ ngon. Cùng tìm hiểu 10 cách bấm huyệt chữa mất ngủ hiệu quả tại nhà.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-11
Cập nhật ngày 2023-07-07
Nội dung chính
10 huyệt vị chữa mất ngủ bạn nên biếtCác bước bấm huyệt trị mất ngủ tại nhàNhững lưu ý khi bấm huyệt chữa mất ngủ tại nhà
Mất ngủ bấm huyệt nào để dễ ngủ? Thử ngay 10 huyệt trị mất ngủ sau

Người trưởng thành cần ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày. Việc thường xuyên bị mất ngủ sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như suy giảm chức năng miễn dịch, sút cân hoặc suy giảm nhận thức. Nếu dễ bị mất ngủ do ảnh hưởng từ các yếu tố gây căng thẳng, stress, suy nhược thần kinh… thì bấm huyệt sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon hơn. 

Vậy khi mất ngủ, khó ngủ thì bấm huyệt nào để cho dễ ngủ, ngủ ngon hơn? Hãy cùng Bowtie điểm qua 10 huyệt vị chữa mất ngủ và cách ấn huyệt đúng qua bài viết sau đây nhé!

10 huyệt vị chữa mất ngủ bạn nên biết

Bấm huyệt là một phương pháp lâu đời bắt nguồn từ y học cổ truyền Trung Quốc với niềm tin rằng các huyệt đạo cho phép ta tiếp cận đến nguồn năng lượng chảy trong cơ thể và sử dụng chúng để điều trị nhiều tình trạng sức khỏe. Mỗi một điểm huyệt đạo được xem là tượng trưng cho một cơ quan hoặc chu trình nhất định của cơ thể. Do đó, việc bấm, xoa bóp vào một số huyệt vị có thể giúp cơ thể thư giãn và dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Theo đó, dưới đây là 10 huyệt vị chữa mất ngủ mà bạn nên biết:

1. Huyệt thần môn (HT7)

Huyệt thần môn (HT7) nằm ở vị trí nếp gấp cổ tay bên ngoài, phía dưới ngón tay út. Kích thích huyệt vị này giúp xoa dịu tâm trí và khiến bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

Một nghiên cứu vào năm 2010 đã cho thấy kết quả tốt khi bấm huyệt HT7 để giảm chứng mất ngủ trên những người lớn tuổi bị rối loạn giấc ngủ. Một nghiên cứu khác trên bệnh nhân Alzheimer bị rối loạn giấc ngủ cũng nhận thấy rằng, việc bấm huyệt HT7 hàng ngày đã cải thiện được thời lượng và chất lượng giấc ngủ, đồng thời giảm nhẹ các triệu chứng rối loạn giấc ngủ.

Cách bấm huyệt thần môn trị mất ngủ như sau:

  • Tìm vị trí của huyệt và dùng ngón tay ấn nhẹ rồi day theo hình vòng tròn hoặc hướng lên xuống
  • Thực hiện động tác trên trong khoảng 2 – 3 phút
  • Ấn giữ phía bên trái của huyệt trong một vài giây, sau đó ấn giữ phía bên phải tương tự
  • Lặp lại ở cùng vị trí huyệt đạo bên tay còn lại
Bấm huyệt thần môn trị mất ngủ
Bấm huyệt thần môn (HT7) giúp tinh thần thư giãn và đưa bạn vào giấc ngủ dễ hơn.

2. Huyệt dũng tuyền (KD1)

Ấn huyệt dũng tuyền (KD1) cũng là một cách giúp chữa mất ngủ vô cùng hiệu quả. Theo đó, huyệt dũng tuyền là một huyệt nằm ở lòng bàn chân, ngay chỗ lõm giữa bàn chân khi bạn co các ngón chân lại. Bấm huyệt này thường xuyên được cho là giúp lưu thông khí huyết, tốt cho thận và cải thiện giấc ngủ. 

Sau đây là cách bấm huyệt dũng tuyền để chữa mất ngủ mà bạn nên thử:

  • Ngồi khoanh chân hoặc nằm ngửa và co chân lên, đưa bàn chân hướng lên để tay có thể chạm tới lòng bàn chân
  • Co các ngón chân lại để tìm huyệt KD1 ở chỗ lõm nhất trên lòng bàn chân
  • Dùng ngón tay ấn vào huyệt này trong vài phút, đồng thời day ngón tay theo chuyển động tròn hoặc lên xuống
Bấm huyệt dũng tuyền trị mất ngủ
Huyệt dũng tuyền có khả năng thúc đẩy lưu thông khí huyết, cải thiện giấc ngủ khi được kích thích.

3. Huyệt tam âm giao (SP6)

Huyệt tam âm giao (SP6) nằm ở phía trên mắt cá chân, phía mặt trong của chân. Huyệt vị này là điểm giao của 3 kinh âm tại chân là can, tỳ, thận nên có tác dụng thông khí ứ trệ và điều huyết. Tác động đến huyệt tam âm giao có thể giúp trị chứng mất ngủ, đau bụng kinh, các vấn đề tiết niệu và một số vấn đề vùng chậu khác.

Vị trí của huyệt SP6 là cách điểm cao nhất của mắt cá chân (ở mặt trong của chân) khoảng bằng chiều rộng của bốn ngón tay khi khép lại. Để có giấc ngủ ngon hơn, bạn hãy thử bấm huyệt tam âm giao (SP6) mỗi ngày 1 – 2 lần theo các bước sau đây:

  • Ngồi ở tư thế thoải mái sao cho hai bàn tay có thể nắm lấy cổ chân dễ dàng
  • Mỗi bên, bạn dùng tay ấn mạnh vào huyệt tam âm giao rồi day vòng tròn liên tục khoảng 5 – 10 phút. 

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng, phụ nữ có thai không được bấm huyệt tam âm giao. Bởi huyệt đạo này có liên quan đến tử cung nên có thể gây ảnh hưởng tới thai kỳ, dễ dẫn đến sinh non.

Bài viết liên quan:

Bấm huyết tam âm giao trị mất ngủ
Để có một giấc ngủ ngon hơn, bạn có thể ấn huyệt tam âm giao ở trên mắt cá chân.

4. Huyệt nội quan (PC6)

Huyệt nội quan (PC6) nằm ở mặt trong cẳng tay, giữa hai gân là gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay nhỏ. Thực hiện bấm huyệt nội quan thường xuyên có thể giúp trị mất ngủ, cải thiện tình trạng suy nhược thần kinh và giảm nhẹ một số vấn đề sức khỏe như đau dạ dày, đau đầu, buồn nôn.

Vị trí huyệt PC6 nằm ở mặt trong cẳng tay, cách nếp gấp cổ tay khoảng bằng chiều rộng của 3 ngón tay khi khép lại. Sau khi xác định được huyệt vị này, bạn hãy thực hiện thao tác như sau:

  • Dùng ngón tay ấn xuống vị trí huyệt giữa hai gân ở mặt trong tay
  • Day ngón tay theo chuyển động tròn hoặc lên xuống tại huyệt PC6 trong 4 – 5 giây
Bấm huyệt nội quan trị mất ngủ
Bấm huyệt nội quan (PC6) có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, suy nhược thần kinh và một số vấn đề sức khỏe.

5. Huyệt phong trì (GB20)

Huyệt phong trì (GB20) nằm phía sau cổ, được xác định bằng cách sờ tìm xương chũm phía sau tai và lần theo đường rãnh kéo đến nơi các cơ ở cổ liên kết với hộp sọ. Huyệt vị này khi được kích thích sẽ giảm nhẹ các triệu chứng hô hấp như ho (tác nhân gây gián đoạn giấc ngủ) cũng như giảm bớt căng thẳng, giúp thư giãn và ngủ ngon hơn.

Cách bấm huyệt phong trì để trị mất ngủ, giúp dễ ngủ hơn như sau:

  • Đan hai bàn tay vào nhau và mở lòng bàn tay ra để tạo thành hình chiếc nón, sau đó đưa hai bàn tay qua đầu, vòng ra sau cổ
  • Đưa hai ngón tay cái ra ấn vào vị trí huyệt GB20, day theo hình tròn hoặc lên xuống trong 4 – 5 giây
  • Hít thở sâu trong lúc day ấn huyệt này
Bấm huyệt phong trì trị mất ngủ
Ấn huyệt phong trì giúp giảm bớt căng thẳng, trị mất ngủ và giảm nhẹ triệu chứng hô hấp.

6. Huyệt an miên (EM13)

Huyệt an miên (EM13) là một trong những huyệt vị được biết đến nhiều nhất để điều trị chứng mất ngủ. Ngoài ra, nhiều người còn bấm huyệt an miên để giảm lo âu, đau đầu và chóng mặt. Vị trí của huyệt này nằm ở hai bên cổ, phía sau tai, nằm bên cạnh chỗ xương nhô ra.

Cách bấm huyệt an miên để dễ ngủ hơn cũng rất đơn giản. Bạn dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ ấn nhẹ vào huyệt vị này trước khi đi ngủ. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy nhịp tim chậm lại và dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Bấm huyệt an miên trị mất ngủ
Bấm huyệt an miên trị mất ngủ là một cách được nhiều người biết đến.

7. Huyệt thái xung (LV3)

Huyệt thái xung (LV3) nằm ở bàn chân, ngay vị trí giao nhau giữa ngón chân cái và ngón tiếp theo. Bấm huyệt thái xung có thể giúp điều trị chứng mất ngủ không rõ nguyên nhân hoặc mất ngủ liên quan đến căng thẳng, lo lắng.

Trước khi ngủ, bạn có thể dùng ngón tay ấn vào vị trí huyệt LV3 với lực vừa phải. Ở từng bên bàn chân, bạn ấn huyệt và giữ trong 3 phút.

Bấm huyệt thái xung trị mất ngủ
Bạn có thể bấm huyệt thái xung nằm trên bàn chân để trị chứng mất ngủ.

8. Huyệt thái khê (KD3)

Huyệt thái khê (KD3) nằm phía trên của gót chân, ở mặt trong của bàn chân. Kích thích huyệt vị này được biết đến là có khả năng giúp kiểm soát huyết áp ở những người bị tăng huyết áp và cải thiện tình trạng mất ngủ.

Bạn có thể thử tự bấm huyệt thái khê ở chân tại nhà để chữa trị chứng khó ngủ, mất ngủ bằng cách:

  • Dùng ngón tay cái di chuyển xung quanh khu vực hõm giữa mắt cá chân và gót chân ở mặt bên trong của chân
  • Ấn mạnh và day vào vị trí huyệt trong vài phút
  • Lặp lại ở bên chân còn lại
Bấm huyệt thái khê trị mất ngủ
Ấn vào huyệt thái khê không những giúp điều trị mất ngủ mà còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp.

9. Huyệt ấn đường (EX-HN3)

Huyệt ấn đường (EX-HN3) nằm ở chính giữa hai chân mày, thẳng hàng dọc với mũi. Vị trí này còn được gọi là luân xa của con mắt thứ ba. Tác động đến huyệt ấn đường được cho là giúp giảm tình trạng bồn chồn, kích động và mất ngủ.

Khi khó ngủ, mất ngủ, bạn có thể dùng một ngón tay ấn nhẹ lên vị trí huyệt ấn đường và day thành vòng tròn, thực hiện khoảng 20 lần. Những người cảm thấy căng thẳng, nhức đầu nhiều có thể ấn huyệt với lực mạnh hơn để thu được kết quả tốt hơn.

Bấm huyệt ấn đường trị mất ngủ
Kích thích lên vị trí huyệt ấn đường giúp cải thiện tình trạng bồn chồn, kích động và mất ngủ.

10. Huyệt bách hội (GV20)

Huyệt bách hội (GV20) nằm trên đỉnh đầu, ngay giữa thóp sau. Bởi vì huyệt vị này nằm gần não bộ nên được cho là có tác dụng xoa dịu hệ thần kinh. Một nghiên cứu nhỏ năm 2017 cho thấy, bấm huyệt bách hội (cùng với các huyệt khác) giúp cải thiện giấc ngủ của những người thường xuyên bị rối loạn giấc ngủ ở viện dưỡng lão.

Cách bấm huyệt bách hội để trị mất ngủ, dễ ngủ hơn cũng tương tự như khi bấm các huyệt trên. Bạn dùng ngón tay ấn vào vị trí huyệt và day nhẹ theo chuyển động tròn hoặc lên xuống trong khoảng 30 giây. Lặp lại việc bấm huyệt đến khi cảm thấy dễ chịu, thoải mái.

Bấm huyệt bách hội trị mất ngủ
Huyệt bách hội nằm trên đỉnh đầu và gần với não bộ nên có thể giúp làm thư giãn hệ thần kinh khi tác động vào.

Các bước bấm huyệt trị mất ngủ tại nhà

Trước khi đi ngủ khoảng nửa tiếng đến một tiếng, bạn nên thử bấm huyệt (có thể một hoặc nhiều huyệt kết hợp) để cơ thể cảm thấy thư giãn, dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Nhìn chung, các bước bấm huyệt sẽ như sau:

  • Đặt ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ lên huyệt vị muốn tác động và ấn nhẹ với lực vừa phải, không gây đau
  • Bắt đầu di chuyển ngón tay chầm chậm theo hình tròn (day huyệt), khi được vài vòng thì có thể tăng nhẹ lực ấn để tác động đến các mô cơ nhiều hơn
  • Tiếp tục việc ấn day huyệt trong ít nhất 1 phút và lặp lại trong khoảng thời gian 7 – 10 phút.

Với những huyệt nằm ở hai bên cơ thể, bạn thực hiện bấm huyệt cho mỗi bên như nhau.

Những lưu ý khi bấm huyệt chữa mất ngủ tại nhà

Bấm huyệt trị mất ngủ là một phương pháp có từ xa xưa và có thể tự thực hiện tại nhà dễ dàng, hiệu quả. Tuy nhiên, một số vấn đề bạn cần lưu ý khi tự ấn huyệt để đảm bảo an toàn là:

  • Tránh thực hiện bấm huyệt nếu đang mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Bạn cần đến gặp các chuyên gia để được hướng dẫn phương pháp khác nhằm điều trị mất ngủ.
  • Giữ tư thế, tinh thần thoải mái khi thực hiện bấm huyệt để dễ ngủ hơn.
  • Không day ấn huyệt khi tại vị trí đó có vết thương hở, dấu hiệu nhiễm trùng, sưng tấy.
  • Bấm huyệt với lực vừa phải, không tác động mạnh lên một số huyệt vị nhạy cảm như huyệt ấn đường.
  • Nếu thấy khó chịu, chóng mặt hoặc gặp phải các triệu chứng bất thường khác trong quá trình bấm huyệt trị mất ngủ thì bạn cần dừng lại ngay.
  • Trường hợp mất ngủ kéo dài mà không được cải thiện sau khi đã cố gắng áp dụng các phương pháp tại nhà, bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân chính xác và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Hầu hết mọi người đều từng trải qua những thời điểm bị mất ngủ do nhiều yếu tố tác động đến. Khi đó, nếu bạn muốn cải thiện giấc ngủ một cách tự nhiên, hãy thử phương pháp bấm huyệt trị mất ngủ để có được giấc ngủ ngon và sâu hơn nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây! Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây!
Kiến thức sức khỏe

Đến tháng đau bụng: Áp dụng ngay các mẹo giảm đau bụng dưới đây!

Ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày là đủ? Mách bạn mẹo ngủ ít vẫn không mệt Ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày là đủ? Mách bạn mẹo ngủ ít vẫn không mệt
Kiến thức sức khỏe

Ngủ bao nhiêu tiếng 1 ngày là đủ? Mách bạn mẹo ngủ ít vẫn không mệt

Đau họng kèm ho, khạc đờm ra máu là bệnh gì? Bật mí 6 lý do Đau họng kèm ho, khạc đờm ra máu là bệnh gì? Bật mí 6 lý do
Kiến thức sức khỏe

Đau họng kèm ho, khạc đờm ra máu là bệnh gì? Bật mí 6 lý do

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK