Kiến thức sức khỏe
Kiến thức sức khỏe

Bạch cầu: Chức năng, phân loại và vai trò đối với sức khỏe

Bạch cầu là một trong 3 loại tế bào máu, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ miễn dịch. Các tế bào bạch cầu giúp cơ thể chống lại tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn hoặc virus.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2023-06-28
Cập nhật ngày 2023-06-28
Nội dung chính
Bạch cầu là gì?5 loại bạch cầu thường gặpSố lượng bạch cầu trung bình trong cơ thểCác triệu chứng có thể xuất hiện khi số lượng bạch cầu tăng cao hoặc giảm thấpCác nguyên nhân khiến số lượng bạch cầu thay đổi bất thườngCác kiểm tra, xét nghiệm giúp xác định số lượng bạch cầu trong cơ thể
Bạch cầu: Chức năng, phân loại và vai trò đối với sức khỏe

Bạch cầu là một loại tế bào máu rất quan trọng đối với cơ thể. Số lượng bạch cầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp đều có khả năng là dấu hiệu của các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Trong bài viết này, Bowtie sẽ tổng hợp thông tin về các loại bạch cầu, xét nghiệm xác định số lượng bạch cầu cũng như những bệnh lý mà bạn có thể mắc phải khi thấy lượng bạch cầu trong cơ thể bất thường. Hãy cùng Bowtie theo dõi tiếp nhé.

Bạch cầu là gì?

Bạch cầu là một loại tế bào máu được tạo ra bởi các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương và chiếm khoảng 1% khối lượng máu (4000 – 11.000 tế bào trong mỗi microlit máu). Tuy nhiên, loại tế bào máu này lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm.   

Protein kháng nguyên (antigen) trong bạch cầu sẽ nhận diện và gắn vào các tác nhân gây hại. Ngay khi phát hiện các tác nhân này, bạch cầu sẽ “xúc tác” phản ứng miễn dịch trong cơ thể chỉ sau vài phút. 

Bạch cầu không chỉ có mặt trong máu mà còn tồn tại trong hệ thống bạch huyết, lách, amidan cũng như các mô khác trong cơ thể. “Vòng đời” của bạch cầu tương đối ngắn, chỉ từ 7 – 14 ngày. Vì vậy, tế bào gốc tạo máu sẽ không ngừng tạo ra bạch cầu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

5 loại bạch cầu thường gặp

Các tế bào bạch cầu gồm nhiều loại khác nhau, trong đó 5 loại thường gặp là:

  • Bạch cầu trung tính (Neutrophil): Đây là dạng bạch cầu chiếm tỷ lệ lớn nhất, là tế bào có khả năng “nuốt trọn” và tiêu diệt các tác nhân gây hại. 
  • Bạch cầu ưa acid (Eosinophil): Loại bạch cầu này cũng có khả năng “nuốt chửng” các tác nhân gây hại nhưng số lượng ít hơn bạch cầu trung tính. Số lượng bạch cầu ưa acid thường tăng lên trong trường hợp dị ứng hoặc nhiễm ký sinh trùng.
  • Bạch cầu ưa kiềm (Basophil): Bạch cầu ưa kiềm chỉ chiếm khoảng 1% số lượng bạch cầu trong cơ thể. Đây là loại bạch cầu có liên quan đến phản ứng dị ứng. Khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn…, bạch cầu ưa kiềm sẽ kích thích phản ứng dị ứng bằng cách giải phóng histamine.
  • Bạch cầu đơn nhân (Monocyte): Bạch cầu đơn nhân tăng trưởng rất nhanh trong tủy xương. Sau khi trưởng thành, chúng sẽ di chuyển theo máu đến các mô sâu trong cơ thể. Trong quá trình di chuyển, chúng phát triển và phân hóa thành các đại thực bào có chức năng chống lại tác nhân gây bệnh, tiêu diệt vi khuẩn cũng như loại bỏ tế bào chết và mô lão hóa.
  • Bạch cầu lympho (Lymphocyte): Loại bạch cầu này đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch của cơ thể, được chia thành tế bào lympho B và tế bào lympho T. Chúng tạo ra kháng thể để giúp cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại.

Số lượng bạch cầu trung bình trong cơ thể

Số lượng bạch cầu trung bình trong cơ thể sẽ giảm dần theo tuổi tác. Số lượng này ở trẻ sơ sinh sẽ dao động từ 9.000 – 30.000 tế bào/µl máu. Trẻ dưới 2 tuổi có khoảng 6.200 – 17.000 tế bào bạch cầu/µl máu còn người lớn có từ 5.000 – 10.000 tế bào bạch cầu/µl máu.

Các chỉ số bất thường liên quan đến bạch cầu không nhất thiết phải là dấu hiệu của bệnh bạch cầu. Nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như thai kỳ hoặc tình trạng viêm nhiễm, cũng có thể dẫn đến tăng hoặc giảm số lượng bạch cầu trong cơ thể. Khi nhận thấy số lượng bạch cầu có sự thay đổi, các bác sĩ sẽ theo dõi và kết hợp thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp khi cần.

Các triệu chứng có thể xuất hiện khi số lượng bạch cầu tăng cao hoặc giảm thấp

Khi số lượng bạch cầu trong cơ thể tăng cao hoặc giảm thấp, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng nhất định. Dưới đây là một số triệu chứng bạn có khả năng nhận thấy khi số lượng bạch cầu “biến động”:

Triệu chứng Số lượng bạch cầu cao Số lượng bạch cầu thấp
Sốt, ớn lạnh Có thể gặp phải Có thể gặp phải
Đau nhức cơ thể Có thể gặp phải Có thể gặp phải
Dễ bầm tím Có thể gặp phải Thường không gặp phải
Khó thở Có thể gặp phải Có thể gặp phải
Ngứa da Có thể gặp phải Thường không gặp phải
Giảm cảm giác thèm ăn, sụt cân Có thể gặp phải Có thể gặp phải
Đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt vào ban đêm Có thể gặp phải Thường không gặp phải
Đau đầu Thường không gặp phải Có thể gặp phải
Chóng mặt Thường không gặp phải Có thể gặp phải
Khó ngủ Thường không gặp phải Có thể gặp phải

Các nguyên nhân khiến số lượng bạch cầu thay đổi bất thường

Một số nguyên nhân sau đây có thể khiến số lượng bạch cầu trong cơ thể tăng lên bất thường:

  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Các tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng
  • Các bệnh lý về tủy xương
  • Tập luyện thể dục thể thao quá mức
  • Căng thẳng hoặc áp lực tâm lý
  • Thai kỳ
  • Phản ứng dị ứng như dị ứng thuốc, hen suyễn hoặc dị ứng da
  • Một số loại thuốc như corticosteroid, lithium, thuốc chủ vận beta…
  • Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp… 
  • Các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu, u lympho Hodgkin…

Trong khi đó, một số nguyên nhân khác sẽ làm giảm số lượng bạch cầu trong cơ thể: 

  • Nhiễm virus như cúm, viêm gan, thủy đậu, rubella…
  • Một số phương pháp điều trị ung thư như xạ trị hoặc hóa trị  
  • Các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống loạn thần…
  • Suy dinh dưỡng và thiếu một số vitamin
  • Một số rối loạn ở tủy xương như đa u tủy, thiếu máu bất sản…
  • Các rối loạn di truyền như hội chứng Chediak-Higashi hay hội chứng Kostmann

Các kiểm tra, xét nghiệm giúp xác định số lượng bạch cầu trong cơ thể

Hiện tại, có ba phương pháp thường được sử dụng để xác định số lượng bạch cầu trong cơ thể là:

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ với xét nghiệm phân biệt bạch cầu

Đây là một trong những xét nghiệm máu cơ bản và thường được sử dụng nhất. Nhờ máy phân tích, các bác sĩ sẽ xác định được số lượng và tỷ lệ phần trăm của 5 loại bạch cầu có trong máu. Xác định được số lượng của từng loại bạch cầu có thể giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về sự thay đổi của chúng.

Các kiểm tra, xét nghiệm giúp xác định số lượng bạch cầu trong cơ thể
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp thường được sử dụng để xác định số lượng bạch cầu.

Phết máu ngoại biên

Đây cũng là một xét nghiệm cơ bản thường được sử dụng trong lâm sàng và là một trong những kiểm tra bắt buộc đối với bệnh nhân bị sốt cao. Phương pháp này có thể được sử dụng để tính toán tỷ lệ phân bố của các loại bạch cầu, từ đó hỗ trợ việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp bác sĩ quan sát được những bất thường ở bạch cầu, chẳng hạn như về hình dạng, kích thước. Ví dụ như bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu thường có nhiều bạch cầu chưa trưởng thành trong cơ thể hoặc bệnh nhân bị nhiễm virus thường xuất hiện các bạch cầu lympho không điển hình.

Sinh thiết tủy xương

Sinh thiết tủy xương là phương pháp sử dụng một kim lớn để chọc lấy mẫu tủy xương nhằm quan sát và nghiên cứu thêm trong phòng thí nghiệm. Vì bạch cầu được sản xuất ra bởi các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương nên việc quan sát trực tiếp mẫu tủy xương sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra các tế bào bất thường cũng như theo dõi hoạt động của các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. 

Có thể thấy, bạch cầu là loại tế bào máu đóng vai trò rất quan trọng giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Việc số lượng bạch cầu tăng hay giảm đều có khả năng là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra số lượng bạch cầu để sớm phát hiện bất thường và điều trị khi cần thiết.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Củ đậu (củ sắn) bao nhiêu calo? Gợi ý 6 món ăn hấp dẫn từ củ đậu Củ đậu (củ sắn) bao nhiêu calo? Gợi ý 6 món ăn hấp dẫn từ củ đậu
Kiến thức sức khỏe

Củ đậu (củ sắn) bao nhiêu calo? Gợi ý 6 món ăn hấp dẫn từ củ đậu

Trái quýt chứa bao nhiêu calo? Ăn quýt có giảm cân không? Trái quýt chứa bao nhiêu calo? Ăn quýt có giảm cân không?
Kiến thức sức khỏe

Trái quýt chứa bao nhiêu calo? Ăn quýt có giảm cân không?

Có nên ăn táo trước khi ngủ? Lợi ích và tác hại? Có nên ăn táo trước khi ngủ? Lợi ích và tác hại?
Kiến thức sức khỏe

Có nên ăn táo trước khi ngủ? Lợi ích và tác hại?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK