Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Adenovirus gây bệnh gì và nguy hiểm thế nào?

Adenovirus có thể gây ra nhiều vấn đề và bệnh lý ở người, nhất là ở các đối tượng có sức đề kháng yếu. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-26
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Đôi nét về adenovirusAdenovirus gây bệnh gì?Triệu chứng nhiễm adenovirusPhương pháp phát hiện adenovirusPhương pháp điều trịCách phòng ngừa

Adenovirus gây bệnh gì và nguy hiểm thế nào?

Bệnh do adenovirus gây ra đang có xu hướng bùng phát mạnh ở Việt Nam, đặc biệt ở đối tượng trẻ nhỏ. Theo thống kê của bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến 12/9, tổng số ca nhiễm adenovirus được ghi nhận tại bệnh viện là 412 ca, nhiều hơn năm 2021 và tăng 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó, đã có 6 bệnh nhi tử vong do nhiễm loại virus này.

Trước sự nguy hiểm khôn lường của adenovirus, việc hiểu rõ về loại virus này sẽ giúp bạn có cách ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình tốt hơn. Trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm một số thông tin về adenovirus và những bệnh lý liên quan nhé.

Đôi nét về adenovirus

Adenovirus (đọc là a-đê-no vi rút) là một nhóm virus phổ biến có thể gây ra nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở người. Adenovirus được chia làm 7 nhóm từ A-G, trong đó có hơn 50 type gây bệnh ở người. Bệnh do adenovirus có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào mùa đông, đầu mùa xuân hoặc thời điểm giao mùa.

Nhóm virus này lây truyền từ người sang người thông qua:

  • Qua tiếp xúc gần: Virus có thể lây từ người sang người thông qua việc bắt tay, ôm hoặc hôn.
  • Qua giọt bắn hô hấp: Việc tiếp xúc với các giọt bắn hô hấp từ người bệnh khi họ ho, hắt hơi có thể khiến người bình thường bị lây nhiễm virus.
  • Qua niêm mạc: Việc dùng chung nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, dùng chung vật dụng cá nhân hoặc tiếp xúc với phân của người bệnh có thể khiến bạn bị nhiễm virus qua đường niêm mạc ở mũi, miệng hoặc mắt. 

Adenovirus có thể gây bệnh cho mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Người lớn sinh sống, làm việc trong môi trường tập thể, đông đúc như ký túc xá, khu quân sự, bệnh viện… cũng có nguy cơ cao phơi nhiễm với loại virus này. Ngoài ra, người lớn tuổi, những người mắc bệnh mạn tính hoặc có hệ miễn dịch suy yếu (như người bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh tim…) có nhiều khả năng bị bệnh nặng do nhiễm adenovirus. 

Adenovirus gây bệnh gì?

Adenovirus có thể gây ra nhiều vấn đề, bệnh lý khác nhau như:

  • Viêm mũi
  • Viêm họng
  • Viêm họng kết mạc
  • Viêm phế quản
  • Viêm phổi
  • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
  • Viêm tai 
  • Viêm dạ dày – ruột cấp tính

Hiếm gặp hơn, adenovirus có thể ảnh hưởng đến các hệ cơ quan khác, gây ra những tình trạng như viêm nhiễm bàng quang, viêm đường tiết niệu, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim… Người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao phát triển các vấn đề nghiêm trọng như suy hô hấp, suy gan và thậm chí tử vong.

Triệu chứng nhiễm adenovirus

Người bệnh khi nhiễm adenovirus có thể biểu hiện những triệu chứng từ nhẹ đến nặng nhưng ít khi nào nghiêm trọng. Triệu chứng gặp phải sẽ tùy thuộc vào bộ phận trên cơ thể bị nhiễm virus. Trong phần lớn các trường hợp, adenovirus ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây ra những biểu hiện giống như cảm lạnh hoặc cúm. Một số triệu chứng nhiễm adenovirus bạn có thể gặp phải, bao gồm:

  • Ho
  • Sốt cao, rét run
  • Thở khò khè
  • Chảy nước mũi
  • Đau họng
  • Đau mắt đỏ
  • Nhiễm trùng tai
  • Sưng hạch bạch huyết

Virus này đôi khi gây ảnh hưởng đến dạ dày, ruột và gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau dạ dày, buồn nôn và nôn.

Triệu chứng nhiễm adenovirus
Adenovirus thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp và gây ra những biểu hiện giống như cảm lạnh hoặc cúm.

Phương pháp phát hiện adenovirus

Để xác nhận bạn có nhiễm adenovirus hay không, bác sĩ sẽ thực hiện lấy mẫu chất nạo kết mạc, dịch từ mũi hoặc họng, tuyến hạnh nhân, đờm, nước tiểu hoặc phân để tiến hành kiểm tra. Adenovirus cũng có thể được phân lập bằng cách nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm nhưng sẽ tốn nhiều thời gian hơn nên xét nghiệm này ít được thực hiện. Trường hợp nghiêm trọng, virus có thể được phát hiện trong máu.

Phương pháp điều trị

Phần lớn trường hợp nhiễm adenovirus thể nhẹ sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Bạn có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng cách dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau không kê đơn, rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý, bù nước và điện giải khi sốt cao… Bạn cũng cần tăng cường sức đề kháng, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, đồng thời theo dõi tình trạng bệnh để phát hiện các biến chứng bội nhiễm và kịp thời xử lý.

Các trường hợp đặc biệt như người bệnh nặng, người bị suy giảm miễn dịch…, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus để điều trị bệnh. Đôi khi, các đối tượng này cần phải nhập viện điều trị.

Cách phòng ngừa

Hiện nay, chưa có vaccine ngừa adenovirus cũng như không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại virus này. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm adenovirus đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để hạn chế lây nhiễm loại virus này, bạn cần chú ý:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi đi vệ sinh
  • Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng nếu chưa rửa tay
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác
  • Kiểm tra chất lượng nguồn nước sinh hoạt
  • Hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh
  • Vệ sinh các đồ vật hay chạm vào

Nếu bạn đang nhiễm adenovirus, hãy nghỉ ngơi ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế lây truyền bệnh cho mọi người. 

Adenovirus có thể gây ra nhiều bệnh lý và vấn đề sức khỏe cho con người. Vì vậy, bạn hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt và thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ phơi nhiễm với loại virus này nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Thực đơn cho người sốt xuất huyết: Hỗ trợ phục hồi, tăng đề kháng Thực đơn cho người sốt xuất huyết: Hỗ trợ phục hồi, tăng đề kháng
Các bệnh lý khác

Thực đơn cho người sốt xuất huyết: Hỗ trợ phục hồi, tăng đề kháng

Chữa bệnh giang mai ở nữ dứt điểm cần lưu ý những gì? Chữa bệnh giang mai ở nữ dứt điểm cần lưu ý những gì?
Các bệnh lý khác

Chữa bệnh giang mai ở nữ dứt điểm cần lưu ý những gì?

Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường
Các bệnh lý khác

Bệnh võng mạc tiểu đường - Biến chứng mắt của tiểu đường

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK