Ung thư
Ung thư

Ung thư gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ung thư gan xảy ra khi các tế bào ác tính xuất hiện ở gan. Tiên lượng sống của người bệnh sẽ phụ thuộc vào loại và giai đoạn ung thư, cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể và tuổi tác.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-09-12
Cập nhật ngày 2023-06-05
Nội dung chính
Ung thư gan là gì? Các loại ung thư ganCác giai đoạn của ung thư ganUng thư gan có biểu hiện thế nào?Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ganKiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán ung thư ganCách chữa ung thư ganCách phòng ngừa bệnh ung thư ganHỏi đáp về ung thư gan
Thông tin về bệnh ung thư gan

Ung thư gan là một căn bệnh nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng và là một trong những loại ung thư phát triển nhanh nhất. Vậy ung thư gan là gì? Ung thư gan có chữa được không và sống được bao lâu? Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn cùng Bowtie đọc tiếp bài viết sau đây.

Ung thư gan là gì?

Ung thư gan là bệnh lý ác tính xảy ra khi các tế bào ác tính xuất hiện ở gan. Các tế bào ung thư có thể được hình thành từ những bất thường trong gan hoặc được lây lan từ một cơ quan khác trong cơ thể đến gan (di căn). 

Theo số liệu của Globocan, trong năm 2020, Việt Nam có 26.418 ca mắc mới và 25.272 ca tử vong do ung thư gan. Đây là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nước ta hiện nay (tính chung cho cả 2 giới).

Các loại ung thư gan

Ung thư gan được chia làm 2 loại chính là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Dưới đây là một số thông tin về các loại ung thư gan:

Ung thư gan nguyên phát

Ung thư gan nguyên phát xảy ra khi khối u ác tính hình thành từ những bất thường của gan. Có nhiều dạng ung thư gan nguyên phát khác nhau như:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan: Đây là dạng phổ biến nhất.
  • Ung thư đường mật: Bệnh bắt nguồn từ các tế bào ở lớp niêm mạc đường mật (nối giữa gan với ruột và túi mật).
  • Angiosarcoma: Đây là loại ung thư gan hiếm gặp, bắt nguồn từ các mạch máu. Bệnh nhiều khả năng xảy ra ở những người trên 70 tuổi.
  • Ung thư nguyên bào gan (thường gặp ở trẻ em dưới 4 tuổi)

Ung thư thứ phát ở gan

Khi ung thư xuất hiện ở một bộ phận khác nhưng lây lan đến gan (di căn gan) thì được xem là ung thư thứ phát ở gan. Bệnh sẽ được gọi tên theo cơ quan đầu tiên xuất hiện khối u ác tính, chẳng hạn như ung thư bắt đầu ở đại tràng và lây lan đến gan thì gọi là ung thư đại tràng di căn gan.

Các giai đoạn của ung thư gan

Quá trình tiến triển của ung thư gan được chia thành 4 giai đoạn như sau:

Giai đoạn I

Giai đoạn I sẽ được chia thành giai đoạn IA và IB như sau:

  • Giai đoạn IA: Xuất hiện một khối u có kích thước dưới 2cm ở gan. Tế bào ung thư chưa xâm lấn vào mạch máu, các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.
  • Giai đoạn IB: Xuất hiện một khối u có kích thước lớn hơn 2cm ở gan. Tế bào ung thư chưa xâm lấn vào mạch máu, các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.

Giai đoạn II

Ở giai đoạn II, gan xuất hiện một khối u duy nhất có kích thước lớn hơn 2cm đã phát triển vào các mạch máu hoặc xuất hiện nhiều khối u có kích thước dưới 5cm. Các tế bào ung thư vẫn chưa lan đến hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan xa.

Giai đoạn III

Giai đoạn III được chia thành 2 giai đoạn nhỏ là:

  • Giai đoạn IIIA: Gan xuất hiện nhiều khối u và có ít nhất một khối u lớn hơn 5cm. Tuy nhiên, tế bào ung thư vẫn chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các vị trí xa.
  • Giai đoạn IIIB: Ít nhất một khối u (với kích thước bất kỳ) đã phát triển vào một nhánh chính của tĩnh mạch gan. Tuy nhiên, tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các vị trí xa.

Giai đoạn IV

Giai đoạn IV là giai đoạn cuối cùng của ung thư gan, được chia thành 2 giai đoạn nhỏ:

  • Giai đoạn IVA: Một hoặc nhiều khối u có kích thước bất kỳ ở gan đã phát triển đến các hạch bạch huyết lân cận nhưng chưa di căn đến các vị trí xa trong cơ thể.
  • Giai đoạn IVB: Tế bào ung thư đã di căn đến các vị trí xa trong cơ thể như xương hoặc phổi.

Ngoài ra, hiện nay, các giai đoạn của ung thư gan cũng có thể được phân chia dựa theo hệ thống phân độ của Hiệp hội Barcelona năm 2018 như sau:

  • Giai đoạn rất sớm (0): Chỉ có một u với kích thước < 2cm, chức năng gan còn tốt, tổng trạng tốt và chưa có di căn.
  • Giai đoạn sớm (A): Chỉ có một u hoặc có từ 2 – 3 u với kích thước < 3cm, chức năng gan còn tốt, tổng trạng tốt và chưa có di căn.
  • Giai đoạn trung gian (B): Có nhiều u, đánh giá không thể phẫu thuật được, chức năng gan còn tốt, tổng trạng tốt và chưa có di căn.
  • Giai đoạn tiến triển (C): Khối u đã xâm nhập tĩnh mạch cửa hoặc đã xuất hiện di căn ngoài gan, chức năng gan còn tốt và tổng trạng khá đến trung bình.
  • Giai đoạn cuối (D): Chức năng gan ở giai đoạn cuối và tổng trạng kém. 

Ung thư gan có biểu hiện thế nào?

Ung thư gan thường không gây ra triệu chứng hoặc có triệu chứng khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Khi tiến triển đến các giai đoạn sau, bệnh có thể biểu hiện thành các triệu chứng rõ ràng hơn. Dù là nguyên phát hay thứ phát, các triệu chứng ung thư ở gan sẽ giống như nhau.

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư gan có thể cảnh báo, bao gồm:

  • Da và củng mạc mắt chuyển sang màu vàng, có thể bị ngứa da, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hơn bình thường
  • Đau ở phần bụng phía trên, bên phải (hạ sườn phải) hoặc đau ở vai phải, đôi khi đau bụng ở vùng thượng vị
  • Chán ăn hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng
  • Cảm thấy cơ thể không khỏe hoặc có các triệu chứng giống như bệnh cúm
  • Sờ thấy khối u ở bên phải bụng
  • Cảm thấy no rất nhanh khi ăn
  • Buồn nôn, nôn
  • Bụng báng, cổ trướng mà không liên quan đến việc ăn uống
  • Dấu sao mạch
  • Lòng bàn tay son

Các triệu chứng này cũng có thể do nhiều bệnh lý khác gây ra. Để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, bạn cần đến gặp bác sĩ khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.

 Bài viết liên quan:

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh ung thư gan
Vàng da và vàng mắt là một trong các triệu chứng thường gặp của ung thư gan.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư gan

Nguyên nhân gây ung thư gan có thể xuất phát từ những bất thường trong ADN của tế bào gan khỏe mạnh. Các ADN này thường mang theo gen chi phối và điều hướng hoạt động của tế bào. Gen giúp tế bào phát triển, phân chia và chết đi theo đúng chu kỳ bình thường.

Một số gen sẽ hỗ trợ quá trình phát triển và phân chia của tế bào. Trong khi đó, một số khác nhận nhiệm vụ theo dõi hoạt động của tế bào, giữ cho các tế bào không nhân lên một cách mất kiểm soát và đảm bảo các tế bào dừng hoạt động ở thời điểm chúng phải chết.

Khi ADN bị đột biến hoặc thay đổi bất ngờ, các tế bào sẽ nhận được “hướng dẫn” sai. Đột biến ADN có thể kích hoạt các gen giúp tế bào phân chia (gen sinh ung thư) và tắt các gen kìm hãm quá trình này (gen ức chế khối u).

Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh xơ gan liên quan đến virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV) dẫn đến hơn một nửa trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan. Khi các virus này tấn công tế bào gan, chúng làm thay đổi ADN của tế bào, biến các tế bào gan khỏe mạnh thành tế bào ung thư.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan, như:

Giới tính

Theo nghiên cứu, ung thư biểu mô tế bào gan phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, đặc biệt là nam giới trong độ tuổi từ 55 đến 64. Phần lớn điều này có thể liên quan đến lối sống.

Bệnh viêm gan B và viêm gan C

Một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan phổ biến nhất chính là nhiễm virus viêm gan B (HBV) hoặc virus viêm gan C (HCV) mạn tính. Các bệnh lý này dẫn đến xơ gan và là tác nhân biến ung thư gan trở thành loại ung thư phổ biến nhất ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Mỹ, viêm gan C là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan. Trong khi đó, ở châu Á và các nước đang phát triển thì viêm gan B phổ biến hơn. Người mắc cùng lúc 2 bệnh lý này có nguy cơ cao tiến triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Rủi ro thậm chí còn cao hơn nếu họ nghiện rượu nặng (uống ít nhất 6 ly rượu mỗi ngày).

HBV và HCV có thể lây truyền từ người sang người qua đường máu, tình dục không an toàn hoặc từ mẹ sang con. Trẻ em có khả năng bị nhiễm HBV trong quá trình sinh (tiếp xúc với máu của mẹ nhiễm bệnh) hoặc khi sinh hoạt cùng các thành viên gia đình bị bệnh.

Viêm gan B có thể biểu hiện thành các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, sốt, đau hạ sườn phải… Hầu hết bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn trong vòng vài tháng sau khi nhiễm HBV. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ phát triển viêm gan B mạn tính. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị viêm gan B mạn tính hơn người lớn.

Trong khi đó, viêm gan C ít biểu hiện triệu chứng hơn. Tuy nhiên, người bị viêm gan C lại có nguy cơ cao tiến triển thành mạn tính, dẫn đến tổn thương gan và thậm chí là ung thư.

Có thể thấy, viêm gan B và C là một trong những nguyên nhân ung thư gan mà bạn cần đặc biệt chú ý. Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, bạn nên chủ động tiêm vaccine ngừa các bệnh lý này. Nếu chẳng may mắc bệnh, hãy tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để ngăn bệnh tiến triển thành xơ gan, suy gan hay ung thư gan.

Bệnh xơ gan

Xơ gan là một dạng bệnh mà trong đó các tế bào gan bị tổn thương và được thay thế bằng mô sẹo. Đã có một số bằng chứng về mối liên hệ giữa xơ gan và ung thư gan. Theo đó, người bị xơ gan có nguy cơ phát triển ung thư gan cao hơn người bình thường. Một số nguyên nhân phổ biến gây xơ gan như lạm dụng rượu bia hoặc mắc viêm gan B, viêm gan C mạn tính… cũng chính là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan.

Bệnh béo phì

Thừa cân, béo phì có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bia (NASH). Gan nhiễm mỡ nếu không được kiểm soát tốt sẽ tiến triển thành xơ gan, cuối cùng là suy gan hoặc ung thư gan.

Các thói quen không lành mạnh

Bên cạnh nguyên nhân ung thư gan được nhiều người biết đến hiện nay là rượu bia thì thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lý này. Đây đều là những tác nhân có tác động tiêu cực đến tế bào gan, dẫn đến nhiều vấn đề ở gan.

Bệnh đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường type 2 có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư gan, thường là ở những bệnh nhân mắc kèm viêm gan mạn tính hoặc có các thói quen không lành mạnh khác như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá. Nguy cơ này cũng có thể tăng do bệnh nhân đái tháo đường type 2 có xu hướng thừa cân hoặc béo phì.

Một số bệnh lý khác

Một số bệnh chuyển hóa di truyền có thể dẫn đến xơ gan hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư gan. Những người bị hemochromatosis di truyền sẽ hấp thụ nhiều sắt từ thức ăn. Sắt lắng đọng trong các mô, bao gồm cả mô gan. Nếu tích tụ trong gan quá nhiều, lượng sắt dư thừa có thể kích thích xơ gan và ung thư gan phát triển.

Bên cạnh đó, ung thư gan còn có mối liên hệ mật thiết với nhiều căn bệnh hiếm gặp khác như:

  • Rối loạn chuyển hóa tyrosine
  • Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin
  • Rối loạn chuyển hóa porphyria cutanea tarda
  • Bệnh Wilson

Yếu tố môi trường

Một số tác nhân môi trường có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan. Theo đó, việc tiếp xúc hoặc ăn phải các loại thực phẩm có chứa aflatoxin sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh hơn. Aflatoxin là một độc tố được nấm mốc tạo ra do các loại hạt hoặc ngũ cốc không được quản bảo quản tốt.

Yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan
Gan có thể bị tổn thương do nhiều tác nhân.

Kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan

Các kiểm tra, xét nghiệm được dùng để chẩn đoán ung thư gan gồm:

  • Xét nghiệm máu để xem chức năng gan có bất thường hay không
  • Định lượng nồng độ AFP, PIVKA trong máu
  • Chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Sinh thiết gan là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư gan, được bác sĩ thực hiện bằng cách lấy mẫu mô gan và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm tế bào ung thư

Sau khi đã đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành một số xét nghiệm để xác định giai đoạn của ung thư gan cũng như các thông tin liên quan. Các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ biết được kích thước, vị trí cũng như khả năng di căn của khối u ung thư. Chẩn đoán hình ảnh được dùng để phân giai đoạn ung thư gan bao gồm chụp CT, MRI và xạ hình xương.

Cách chữa ung thư gan

Việc điều trị ung thư gan sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư cũng như tuổi tác, sức khỏe tổng thể, kinh tế và mong muốn của từng bệnh nhân. Các lựa chọn trong điều trị ung thư gan gồm:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được dùng để cắt bỏ khối u, cắt một hạ phân thùy gan, cắt một thùy gan hoặc ghép gan.
  • Điều trị tại chỗ: Các phương pháp này sẽ nhắm trực tiếp vào tế bào ung thư hoặc những khu vực xung quanh khối u. Bác sĩ có thể tiêu diệt tế bào ung thư bằng sóng vô tuyến, vi sóng hoặc laser, đông lạnh tế bào ung thư, tiêm hóa chất vào tế bào gan, cấy các hạt bức xạ vào gan.
  • Xạ trị: Phương pháp này sử dụng các chùm tia có năng lượng cao như tia X, proton để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, xạ trị thường được sử dụng hạn chế trong điều trị ung thư gan.
  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt các tế bào có tốc độ phát triển bất thường, bao gồm cả tế bào ung thư. Tương tự xạ trị, hóa trị cũng thường ít được sử dụng trong điều trị ung thư gan.
  • Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu: Thuốc nhắm mục tiêu tập trung vào các bất thường cụ thể hiện diện trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, thuốc có thể khiến tế bào ung thư chết đi.
  • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp này sẽ củng cố và kích thích hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư, thường dành cho những người bị ung thư gan giai đoạn cuối.
  • Chăm sóc giảm nhẹ: Đây là phương pháp chăm sóc y tế chuyên biệt tập trung vào việc giảm đau và các triệu chứng khác.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư gan

Để phòng ngừa ung thư gan, bạn có thể:

  • Tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ xơ gan, đặc biệt là rượu bia
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B
  • Phòng ngừa viêm gan C bằng cách quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung kim tiêm
  • Điều trị viêm gan B hoặc C theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Tầm soát ung thư gan, nhất là khi có nhiều nguy cơ

Hỏi đáp về ung thư gan

Viêm gan B có dẫn đến ung thư gan không?

Nhiễm virus viêm gan B (HBV) mạn tính có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan nguyên phát. Điều này chủ yếu là do virus làm tổn thương gan và dẫn đến xơ gan. Theo thống kê, virus viêm gan B gây ra khoảng 70% các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan ở Việt Nam.

Theo số liệu của WHO năm 2016, tỷ lệ nhiễm HBV ở người lớn tại Việt Nam lên đến 19%. Nguy cơ ung thư gan ở những người nhiễm HBV cao hơn 15 – 20 lần so với những người không nhiễm. Theo đó, nguy cơ bị ung thư gan trong cuộc đời của người nhiễm HBV mạn là khoảng 10 – 25%. Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư gan ở người nhiễm HBV mạn, bao gồm các yếu tố về hình thái (nam giới, lớn tuổi, tiền sử gia đình có người bị ung thư gan), về virus (mức độ nhân bản HBV cao, kiểu hình HBV, thời gian nhiễm HBV, đồng nhiễm với HCV, HIV, HDV), về lâm sàng (có xơ gan) và về môi trường, lối sống (phơi nhiễm với độc tố, nghiện rượu nặng, hút thuốc lá).

Viêm gan C có dẫn đến ung thư gan không?

Nhiễm virus viêm gan C (HCV) có thể dẫn đến ung thư gan. Theo đó, khoảng 5% trường hợp ung thư gan được xác định là có liên quan đến loại virus này. Dựa trên số liệu của WHO năm 2016, tỷ lệ nhiễm HCV ở người lớn tại Việt Nam lên đến 3,3%. Người có kháng thể kháng HCV có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 17 lần so với người không có kháng thể kháng HCV.

Bệnh ung thư gan xảy ra ở độ tuổi nào?

Ung thư gan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường gặp phải ở người trên 60 tuổi.

Ung thư gan có lây không?

Giống như các loại ung thư khác, ung thư gan không phải là một bệnh truyền nhiễm và không có khả năng lây truyền. Bệnh nhân không thể lây ung thư gan cho người khác thông qua bất kỳ con đường nào, kể cả ăn uống, tiếp xúc thân mật, quan hệ tình dục… Tuy nhiên, một số tác nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh có khả năng lây truyền, chẳng hạn như virus viêm gan B, virus viêm gan C, HIV… Vì vậy, bạn cũng cần đặc biệt lưu ý.

Ung thư gan có di truyền không?

Thực tế, ung thư gan không có yếu tố di truyền mạnh. Tuy nhiên, tiền sử gia đình vẫn được xem là một yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, người có người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ, anh chị em ruột đã được chẩn đoán mắc ung thư gan sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bệnh ung thư gan có chữa được không?

Ung thư gan có thể được chữa khỏi và giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, khi phần lớn gan còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp bệnh được nhận biết, xác định ở giai đoạn đầu ung thư gan

Theo đó, tiên lượng và kết quả điều trị ung thư gan sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại ung thư mắc phải, kích thước và vị trí khối u, mức độ tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và phương pháp điều trị ung thư gan được lựa chọn.

Bệnh ung thư gan có lây không và lây qua đường nào?

Trên thực tế, ung thư gan là bệnh lý thường không có khả năng lây nhiễm qua đường tiếp xúc gần, hô hấp, dịch tiết hay quan hệ tình dục. Tức là, việc ăn uống, nói chuyện, dùng chung bát đũa, tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh, ôm hôn hoặc thậm chí quan hệ tình dục cũng không khiến bạn bị lây bệnh ung thư gan. Chính vì vậy, không cần thiết phải cách ly bệnh nhân và những người xung quanh bởi như vậy không giúp ngăn ngừa ung thư gan, ngược lại còn khiến người bệnh cảm thấy buồn bã, trầm cảm và từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị.

Dù vậy, trong một số trường hợp hiếm gặp, ung thư gan có thể lây truyền qua việc cấy ghép nội tạng. Các tế bào ung thư từ người hiến tạng có thể khiến bệnh phát triển ở người nhận tạng. Việc này thường không phổ biến bởi hệ miễn dịch có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào lạ. Tuy nhiên, những người được cấy ghép nội tạng thường phải dùng thuốc để làm suy yếu hệ miễn dịch nhằm chống thải ghép, từ đó khiến cơ thể không “loại bỏ” được các tế bào ung thư và tạo điều kiện để chúng phát triển.

Tuy ung thư gan thường không có khả năng lây nhiễm nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như viêm gan B, viêm gan C lại có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Virus HBV, HCV gây viêm gan có thể lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn, lây từ mẹ sang con khi sinh nở.

Bệnh nhân ung thư gan sống được bao lâu?

Việc bệnh nhân ung thư gan sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó, để ước tính tiên lượng sống của người bệnh, các chuyên gia thường sử dụng tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm làm giá trị tham khảo. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm của bệnh nhân ung thư gan sẽ như sau:

Giai đoạn ung thư

Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm

Giai đoạn khu trú (tế bào ung thư chưa lan ra ngoài gan) 

36%

Giai đoạn khu vực (tế bào ung thư đã lan đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận)

13%

Giai đoạn di căn (tế bào ung thư di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể, như phổi hoặc xương)

3%

Kết hợp tất cả giai đoạn

21%

Hy vọng các thông tin và phần hỏi đáp về bệnh ung thư gan trong bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn ung thư gan là gì, nguyên nhân cũng như các biểu hiện thường gặp của bệnh. Dù là một bệnh lý nguy hiểm nhưng bạn có thể chủ động phòng ngừa ung thư gan bằng những hành động đơn giản. Đặc biệt, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường xảy ra trong cơ thể, bạn cần đến bác sĩ thăm khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

3 cách hiệu quả giúp phát hiện ung thư vòm họng sớm 3 cách hiệu quả giúp phát hiện ung thư vòm họng sớm
Ung thư

3 cách hiệu quả giúp phát hiện ung thư vòm họng sớm

Xây dựng 8 thói quen đơn giản giúp phòng tránh ung thư vòm họng Xây dựng 8 thói quen đơn giản giúp phòng tránh ung thư vòm họng
Ung thư

Xây dựng 8 thói quen đơn giản giúp phòng tránh ung thư vòm họng

Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay
Ung thư

Các nguyên nhân phổ biến gây ung thư vòm họng hiện nay

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK