Ung thư
Ung thư

Những điều cần biết về ung thư bàng quang

Dù thường được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm nhưng ung thư bàng quang lại có nguy cơ tái phát khá cao. Do đó, người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe thường xuyên nếu từng mắc phải căn bệnh này. Người chưa mắc bệnh cũng cần hiểu rõ về ung thư bàng quang để có hướng ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Tham vấn y khoa/chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Trần Kiến Bình
Ngày đăng 2022-11-23
Cập nhật ngày 2023-07-16
Nội dung chính
Ung thư bàng quang là gì?Các giai đoạn ung thư bàng quangDấu hiệu, triệu chứng ung thư bàng quangNguyên nhân, yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quangPhương pháp chẩn đoán ung thư bàng quangPhương pháp điều trị ung thư bàng quangCách phòng ngừa ung thư bàng quangNhững câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư bàng quang
Những điều cần biết về ung thư bàng quang

Vậy ung thư bàng quang là gì? Làm thế nào để nhận biết bệnh? Mời bạn cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về ung thư bàng quang qua bài viết dưới đây nhé.

Ung thư bàng quang là gì?

Bàng quang (còn gọi là bọng đái) là một cơ quan rỗng nằm ở vùng tiểu khung, có vai trò lưu trữ nước tiểu trước khi loại thải ra ngoài. Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào trong bàng quang phát triển và nhân lên với tốc độ không kiểm soát, từ đó tạo thành khối u ác tính. Bệnh thường bắt đầu từ các tế bào biểu mô của lớp niêm mạc lót bên trong bàng quang.

Dựa vào loại tế bào phát triển ác tính, ung thư bàng quang được chia thành 3 loại:

  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (transitional cell carcinoma): Ung thư bắt đầu từ các tế bào nằm ở lớp mô trong cùng của bàng quang. Những tế bào này có thể căng giãn khi bàng quang đầy và co lại khi bàng quang rỗng. Hầu hết trường hợp ung thư bàng quang là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma): Ung thư bắt đầu từ các tế bào vảy – những tế bào phẳng, mỏng lót bên trong bàng quang. Loại ung thư này có thể hình thành sau khi bị nhiễm trùng hoặc bị kích ứng trong thời gian dài.
  • Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma): Bệnh bắt nguồn từ các tế bào tuyến trong lớp niêm mạc bàng quang. Loại ung thư bàng quang này rất hiếm gặp.

Theo thống kê của Globocan, năm 2020, Việt Nam có 1.721 ca mắc mới và 902 ca tử vong do ung thư bàng quang.

Các giai đoạn ung thư bàng quang

Sự phát triển của ung thư bàng quang được hệ thống TNM phân chia thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn 0

Giai đoạn 0 được chia thành giai đoạn 0a và giai đoạn 0is cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 0a: Đây là dạng ung thư biểu mô thể nhú không xâm lấn. Các tế bào ung thư đã phát triển về phía trung tâm của bàng quang nhưng chưa xâm lấn đến các mô liên kết hoặc mô cơ ở thành bàng quang cũng như các hạch bạch huyết lân cận hoặc các vị trí xa.
  • Giai đoạn 0is: Đây là dạng ung thư biểu mô phẳng, không xâm lấn (ung thư biểu mô phẳng tại chỗ). Các tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở lớp niêm mạc bên trong bàng quang. Chúng chưa phát triển hướng vào trung tâm của bàng quang, cũng chưa xâm lấn mô liên kết, mô cơ của thành bàng quang, các hạch bạch huyết lân cận và các vị trí xa.

Giai đoạn I

Tế bào ung thư đã phát triển đến lớp mô liên kết dưới niêm mạc bàng quang nhưng chưa đến lớp cơ ở thành bàng quang. Những tế bào này cũng chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các vị trí xa.

Giai đoạn II

Tế bào ung thư đã phát triển vào lớp cơ bên trong hoặc bên ngoài của thành bàng quang nhưng chưa hoàn toàn đi qua lớp cơ để đến lớp mô mỡ bao quanh bàng quang. Đồng thời, chúng chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các vị trí xa.

Giai đoạn III

Trong giai đoạn III, tế bào ung thư đã phát triển qua lớp cơ của bàng quang và vào lớp mỡ bao quanh bàng quang. Chúng có thể đã lan vào tuyến tiền liệt, túi tinh, tử cung hoặc âm đạo nhưng chưa phát triển vào thành vùng chậu hoặc thành bụng. Tế bào ác tính cũng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc các vị trí xa.

Giai đoạn IV

Giai đoạn IV cũng được chia làm 2 giai đoạn nhỏ như sau:

  • Khối u có thể xâm lấn tới bất kỳ lớp nào của thành bàng quang, thậm chí lan ra ngoài bàng quang đến các cơ quan kế cận và đã cho di căn hạch (có thể là 1 hay nhiều hạch trong khung chậu hoặc hạch chậu chung) và/hoặc đã cho di căn đến các cơ quan/vị trí ở xa trong cơ thể.
  • Khối u xâm lấn đến thành chậu hông hoặc thành bụng, có thể chưa di căn hạch vùng hoặc các cơ quan ở xa.

Dấu hiệu, triệu chứng ung thư bàng quang

Các dấu hiệu, triệu chứng ung thư bàng quang thường gặp là thấy máu trong nước tiểu (nước tiểu màu đỏ hoặc nâu) và đau khi tiểu tiện. Tuy nhiên, nhiều vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác cũng có thể gây ra tình trạng tương tự, nhất là ở nữ giới thường gây liên tưởng đến các bệnh phụ khoa thông thường. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nếu có những triệu chứng trên.

Ngoài ra, người bệnh ung thư bàng quang cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

  • Tiểu nhiều hơn bình thường và cảm thấy đau khi tiểu
  • Gặp khó khăn khi tiểu tiện, chẳng hạn như dòng nước tiểu bị ngắt quãng hoặc không mạnh như bình thường
  • Tiểu gắt, tiểu buốt
  • Nhiễm trùng bàng quang dai dẳng, nhất là khi nhiễm trùng không hết dù đã điều trị với thuốc kháng sinh
  • Đau thắt lưng
  • Có thể có các biểu hiện toàn thân như sốt, sụt cân, thiếu máu… 
  • Giai đoạn muộn khi đã có di căn sẽ có những biểu hiện tương ứng tùy theo vị trí của cơ quan bị di căn, chẳng hạn như:
    • Di căn não: Nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, yếu liệt chi…
    • Di căn phổi: Đau nhói ngực, khó thở, nặng ngực, tràn dịch màng phổi…
    • Di căn gan: Vàng da, vàng mắt, đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị, cổ trướng,…
    • Di căn xương: Đau nhức xương, hạn chế vận động, gãy xương…
Dấu hiệu, triệu chứng ung thư bàng quang
Có máu trong nước tiểu và cảm thấy đau khi tiểu là những triệu chứng đầu tiên của ung thư bàng quang.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang xảy ra khi có sự biến đổi gen (đột biến gen) trong ADN của các tế bào bàng quang. Những biến đổi này khiến tế bào tiếp tục sống và nhân lên nhanh chóng, thay vì chết đi theo đúng chu kỳ. Các tế bào bất thường sẽ tạo thành khối u ác tính, có khả năng xâm lấn và phá hủy các mô khỏe mạnh. Theo thời gian, khối u có thể di căn sang hệ thống bạch huyết cũng như các bộ phận khác trong cơ thể. 

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa kết luận được chính xác nguyên nhân khiến tế bào ở bàng quang bị đột biến. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được xác định là có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang, bao gồm:

  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư bàng quang tăng lên theo độ tuổi. Dù bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường được phát hiện ở người trên 55 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới có nhiều khả năng phát triển ung thư bàng quang hơn nữ giới.
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư: Ung thư bàng quang có thể tái phát nếu bạn từng mắc bệnh trước đây hoặc nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi có người thân (cha, mẹ, anh, chị) cũng mắc bệnh này. Tiền sử gia đình mắc hội chứng Lynch cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư ở hệ thống tiết niệu cũng như ở đại tràng, tử cung, buồng trứng và những cơ quan khác.
  • Khói thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển khối u ác tính ở bàng quang. Người tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) hoặc hút xì gà, thuốc lào cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Phơi nhiễm phóng xạ: Việc tiến hành xạ trị để điều trị các loại ung thư khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang.
  • Hóa trị: Một số loại thuốc hóa trị cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư.
  • Tiếp xúc với một số loại hóa chất: Người phải tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất có trong anilin, thuốc nhuộm, cao su, sơn, da, một số sản phẩm dệt và làm tóc cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Nhiễm trùng bàng quang thường xuyên: Người hay bị nhiễm trùng bàng quang, sỏi bàng quang hoặc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khác có khả năng cao mắc ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Sử dụng ống thông mạn tính: Người cần phải đặt ống thông bàng quang lâu ngày cũng có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn người bình thường.
  • Không uống đủ nước: Nước giúp hỗ trợ quá trình loại thải chất độc ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Việc không uống đủ nước có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang.
  • Sử dụng một số thuốc liều cao: Theo FDA (Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), việc sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường như pioglitazone, thuốc có chứa axit aristolochic… có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư biểu mô, bao gồm cả ung thư bàng quang.

Phương pháp chẩn đoán ung thư bàng quang

Nếu nghi ngờ bạn bị ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ cần thực hiện một loạt các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán, bao gồm:

  • Phân tích nước tiểu để loại trừ trường hợp nhiễm trùng.
  • Tế bào học nhằm kiểm tra các tế bào dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu ung thư.
  • Nội soi bàng quang để quan sát rõ hơn các cấu trúc bên trong cơ quan này. Đây là phương pháp chính giúp xác định và đưa ra chẩn đoán ung thư bàng quang. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô khi nội soi để làm kiểm tra kỹ hơn trong phòng thí nghiệm (sinh thiết).

Sau khi xác nhận bệnh nhân mắc ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ tiến hành thêm một số xét nghiệm hoặc thủ thuật khác để đánh giá rõ hơn về khối u:

  • Cắt bỏ khối u bàng quang qua nội soi ngả niệu đạo (TURBT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp X-quang ngực, xạ hình xương
  • Chụp UIV đánh giá thêm tổn thương tại bàng quang và hệ tiết niệu
  • Siêu âm ổ bụng
  • Hiện tại vẫn chưa có chất chỉ dấu sinh học u nào đặc hiệu hướng ung thư bàng quang

Từ kết quả thu được sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ có thể phân loại được ung thư và xác định giai đoạn, mức độ phát triển của khối u để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Chẩn đoán ung thư bàng quang
Để chẩn đoán ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau.

Phương pháp điều trị ung thư bàng quang

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại ung thư, giai đoạn tiến triển (giai đoạn 0 – IV), mức độ xâm lấn cùng với đó là tình hình sức khỏe chung và mong muốn của người bệnh. Bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp để điều trị ung thư bàng quang cho bệnh nhân. 

Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang gồm:

  • Phẫu thuật để loại bỏ các tế bào ung thư ra khỏi cơ thể, có thể từ đơn giản là cắt u qua nội soi bàng quang hoặc mổ mở cho đến phức tạp như cắt bàng quang triệt căn kèm vét hạch. Khi đã phẫu thuật cắt bàng quang thì phải đi kèm với tạo hình lại bàng quang. Trong những trường hợp muộn, đánh giá không thể phẫu thuật triệt để, bác sĩ có thể phải mở thông bàng quang hay dẫn lưu niệu quản để thoát nước tiểu ra ngoài.
  • Hóa trị tại bàng quang để điều trị các trường hợp ung thư bàng quang giới hạn trong lớp niêm mạc bàng quang nhưng có nguy cơ cao tái phát hoặc tiến triển đến giai đoạn sau. Hóa trị toàn thân có thể giúp tăng cơ hội chữa khỏi bệnh sau khi đã phẫu thuật hoặc là phương pháp điều trị chính cho trường hợp không thể phẫu thuật. Thông thường, hóa trị nội bàng quang sớm hỗ trợ sau phẫu thuật (trong vòng 24 giờ đầu, tốt nhất là 2 giờ sau phẫu thuật) sẽ được ứng dụng nhiều hơn cả. 
  • Xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư, thường là lựa chọn điều trị cho trường hợp không thể hoặc không muốn phẫu thuật. Có thể xạ trị trước phẫu thuật cho những trường hợp khối u xâm lấn lan rộng ra các tạng xung quanh, xạ trị sau phẫu thuật để tiêu diệt những tổn thương hay tế bào còn sót lại hoặc xạ trị triệu chứng trong những trường hợp muộn/tái phát/tiến triển để giúp giảm đau, cầm máu.
  • Liệu pháp miễn dịch giúp kích hoạt hệ miễn dịch tự chống lại các tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích là lựa chọn trong điều trị ung thư đã tiến triển, khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả. Mặc dù vậy, hai liệu pháp này thường ít được áp dụng trong ung thư bàng quang.

Mặc dù không có biện pháp nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn ung thư bàng quang nhưng bạn có thể giảm thiểu khả năng mắc bệnh bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:

  • Nếu đang hút thuốc, bạn hãy cố gắng tìm cách giảm dần và bỏ hẳn thuốc lá. Bạn có thể tìm đến bác sĩ hoặc các nhóm, cộng đồng để hỗ trợ quá trình cai thuốc.
  • Thận trọng khi tiếp xúc với hóa chất và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn nếu phải làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất độc hại.
  • Ăn nhiều trái cây, rau củ bởi các chất chống oxy hóa trong trái cây và rau củ có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là khi từng bị ung thư trước đây hoặc thường xuyên bị nhiễm trùng bàng quang/ đường tiết niệu.

Những câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có lây không?

Ung thư không phải là bệnh lây truyền và bạn không thể bị “nhiễm ung thư” từ bất kỳ một người nào, bao gồm cả ung thư bàng quang. Các tiếp xúc gần hoặc thân mật như dùng chung bữa, hôn môi, da chạm da, quan hệ tình dục… đều không làm lây bệnh ung thư. 

Người bệnh ung thư rất cần đến sự quan tâm, động viên từ gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Thế nên, bạn đừng ngần ngại mà gần gũi, hỗ trợ họ vì căn bệnh này không hề lây truyền từ người sang người.

Ung thư bàng quang có di truyền không?

Ung thư bàng quang xảy ra khi có những thay đổi bất thường trong ADN (đột biến gen) làm kích hoạt gen gây ung thư hoặc ngừng hoạt động gen ức chế khối u. Nhiều thay đổi gen khác nhau sẽ khiến tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư.

Hầu hết các đột biến gen liên quan đến ung thư bàng quang phát triển trong cuộc đời mỗi người do nhiều tác nhân tác động chứ không phải được di truyền khi sinh ra. Các đột biến gen này xảy ra do tiếp xúc với một số hóa chất hoặc bức xạ gây ung thư. Mỗi người bệnh cũng có những biến đổi trong gen không giống nhau.

Do đó, ung thư bàng quang là loại ung thư ít khi do di truyền gây ra. Tuy nhiên, một số người có thể nhận được những đột biến gen từ bố mẹ làm tăng nguy cơ bị ung thư nói chung, kể cả ung thư bàng quang. Không phải những người có đột biến gen do di truyền đều sẽ phát triển bệnh ung thư bàng quang.

Bệnh ung thư bàng quang có nguy hiểm không, có bị sao không?

Ung thư nói chung và ung thư bàng quang nói riêng rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời, trong quá trình mắc bệnh, bệnh nhân phải đối mặt thêm với nhiều triệu chứng khó chịu cũng như biến chứng nguy hiểm của bệnh, chẳng hạn như đau, mệt mỏi, tổn thương mạch máu, suy tạng, bí tiểu… Không những vậy, các phương pháp điều trị ung thư bàng quang cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Bệnh ung thư bàng quang có chữa được không?

Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư bàng quang có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, khi bệnh càng tiến triển thì khả năng điều trị khỏi càng giảm đi. Đến khi bệnh đã ở giai đoạn cuối thì bệnh nhân gần như không thể được chữa khỏi nữa. Lúc này, việc điều trị chỉ tập trung làm giảm triệu chứng, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Người bệnh ung thư bàng quang sống được bao lâu?

Mỗi người bệnh sẽ có tiên lượng sống khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố nên rất khó để có câu trả lời chính xác cho câu hỏi ung thư bàng quang sống được bao lâu. Tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được đánh giá toàn diện về tiên lượng và thời gian sống ước tính.

Các nghiên cứu thu thập thông tin về tiên lượng sống của người bệnh ung thư bàng quang thường đưa ra tỷ lệ sống sót sau một khoảng thời gian nhất định (thường là 5 năm) kể từ khi được chẩn đoán để làm giá trị tham khảo. Tỷ lệ sống sót tương đối sẽ so sánh thời gian sống giữa những người mắc cùng loại và giai đoạn ung thư bàng quang với tổng thể dân số. Sau đây là số liệu thống kê về tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho từng giai đoạn ung thư bàng quang ở Anh, thu thập trên các bệnh nhân cả nam lẫn nữ được chẩn đoán từ năm 2013-2017:

  • Giai đoạn I: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 80%.
  • Giai đoạn II: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 45%.
  • Giai đoạn III: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 40%.
  • Giai đoạn IV: Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 10%.

Hiện nay, triển vọng sống của người bệnh ung thư bàng quang thường tốt hơn so với những con số ở trên. 

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh ung thư bàng quang. Bất kỳ loại ung thư nào cũng đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Phòng tránh ung thư gan hiệu quả với 8 mẹo cực hay bạn cần biết Phòng tránh ung thư gan hiệu quả với 8 mẹo cực hay bạn cần biết
Ung thư

Phòng tránh ung thư gan hiệu quả với 8 mẹo cực hay bạn cần biết

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ
Ung thư

Nguyên nhân ung thư tinh hoàn và yếu tố nguy cơ

Hỗ trợ điều trị với 8 cách chữa ung thư phổi bằng liệu pháp thay thế Hỗ trợ điều trị với 8 cách chữa ung thư phổi bằng liệu pháp thay thế
Ung thư

Hỗ trợ điều trị với 8 cách chữa ung thư phổi bằng liệu pháp thay thế

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK