Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh lý đường tiêu hóa xảy ra khi acid dạ dày liên tục trào ngược lên thực quản. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là ợ nóng. Nếu không được chăm sóc và điều trị, tình trạng trào ngược acid dạ dày có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản vĩnh viễn.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-13
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?Dấu hiệu, triệu chứngNguyên nhân và yếu tố nguy cơBiến chứngPhương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa bệnh

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là gì?

Vậy bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì? Làm cách nào nhận biết và điều trị? Hãy cùng Website Bowtie tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý này trong bài viết sau đây nhé.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xảy ra khi dịch dạ dày (acid dạ dày) liên tục trào ngược lên thực quản (ống nối giữa miệng và dạ dày). Trên thực tế, một số người thỉnh thoảng vẫn bị trào ngược acid dạ dày. Tuy nhiên, chỉ khi tình trạng này xảy ra liên tục và kéo dài theo thời gian thì mới được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản thường gặp

Ợ nóng được xem là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bạn có thể cảm nhận được cơn đau nhói hoặc cảm giác nóng rát ở ngực, phía sau xương ức và cơn đau đôi khi lan lên cổ họng. Tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn sau khi bạn ăn, cúi xuống hoặc nằm xuống.

Một số triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản khác mà bệnh nhân có thể gặp phải:

  • Căng tức ở ngực hoặc bụng trên
  • Nôn trớ, trào ngược dịch dạ dày lên miệng
  • Buồn nôn, thường sau khi ăn
  • Miệng có vị chua, đắng kéo dài
  • Khó nuốt
  • Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói, đặc biệt vào buổi sáng
  • Viêm họng, viêm thanh quản
  • Ho liên tục, thở khò khè 
  • Cảm giác như có một khối u ở cổ họng

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Như đã đề cập, bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi acid dạ dày từ dạ dày trào ngược lên thực quản.  

Khi chúng ta ăn, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra để đẩy thức ăn từ đáy thực quản vào dạ dày. Sau đó, cơ này sẽ đóng lại để ngăn không cho lượng thức ăn đã nuốt di chuyển ngược lên phía trên. Nếu bị giãn quá thường xuyên hoặc quá lâu, cơ vòng sẽ yếu đi hoặc không đóng chặt lại được như bình thường, từ đó có thể khiến dịch acid trào ngược lên thực quản và gây viêm niêm mạc thực quản.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trào ngược dạ dày thực quản là:

  • Béo phì
  • Bị thoát vị khe hoành (phần trên của dạ dày nhô ra trung thất qua lỗ thực quản của cơ hoành)
  • Thai kỳ
  • Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì
  • Cơ thể chậm làm rỗng dạ dày
  • Nằm xuống trong vòng 3 giờ sau khi ăn
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Nằm ngay sau khi ăn có thể gây trào ngược dạ dày thực quản.

Trong khi đó, một số yếu tố sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược acid dạ dày, bao gồm:

  • Hút thuốc
  • Ăn nhiều bữa hoặc ăn khuya
  • Ăn một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như thực phẩm chiên xào, nhiều chất béo
  • Uống nhiều rượu bia và cà phê
  • Sử dụng một số thuốc, chẳng hạn như aspirin 

Biến chứng trào ngược dạ dày thực quản

Nếu không được chăm sóc và điều trị, tình trạng trào ngược acid dạ dày có thể làm tổn thương lớp niêm mạc ở thực quản, hầu họng và cả đường hô hấp. Theo thời gian, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gây:

  • Viêm loét thực quản
  • Hẹp thực quản
  • Những thay đổi tiền ung thư ở thực quản (Barrett thực quản)
  • Ung thư thực quản  

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các bác sĩ trước tiên sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, dấu hiệu và tiến hành khám sức khỏe lâm sàng cho bệnh nhân. Để xác định chẩn đoán hoặc kiểm tra mức độ biến chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm:

  • Nội soi đường tiêu hóa
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang
  • Đo pH thực quản 24h
  • Đo áp lực thực quản
  • Xét nghiệm Bernstein

Phương pháp điều trị

Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên thử thay đổi lối sống và dùng thuốc không kê đơn. Nếu tình trạng không thuyên giảm trong vài tuần, bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc kê đơn hoặc thực hiện các thủ thuật y tế khác.

Thay đổi thói quen sống

Một lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm tần suất trào ngược acid dạ dày thực quản. Theo đó, bạn cần:

  • Duy trì cân nặng hợp lý 
  • Bỏ thuốc lá 
  • Nâng cao đầu giường hoặc kê thêm gối khi ngủ 
  • Nằm nghiêng về phía bên trái 
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn 
  • Ăn chậm và nhai kĩ, tránh ăn trước khi ngủ 
  • Tránh các loại thực phẩm gây trào ngược như rượu bia, sô-cô-la, caffeine, chất béo… 
  • Tránh mặc quần áo bó sát

Thuốc không kê đơn và kê đơn

điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc để điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Các nhóm thuốc không kê đơn thường được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể kể đến như:

  • Thuốc kháng acid: Nhóm thuốc này có khả năng trung hòa acid dạ dày và giảm nhanh các cơn đau do bệnh gây ra. Tuy nhiên, thuốc không giúp điều trị tình trạng viêm thực quản do acid dạ dày. 
  • Thuốc giảm sản xuất acid: Đây thường là các thuốc kháng histamine H2. Các thuốc này giúp giảm đau lâu và có thể ngăn chặn quá trình sản xuất acid dạ dày trong tối đa 12 giờ. 
  • Thuốc ức chế bơm proton: Các thuốc này có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất acid mạnh và lâu hơn thuốc kháng histamine H2. Thuốc ức chế bơm proton cũng giảm triệu chứng nhanh và cho phép các mô thực quản bị tổn thương có thời gian lành lại.

Nếu việc thay đổi lối sống và dùng thuốc không kê đơn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kê đơn thuộc nhóm kháng histamine H2 hoặc ức chế bơm proton.

Phẫu thuật và các thủ thuật khác

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường được kiểm soát hiệu quả bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc không có tác dụng hoặc nếu bệnh nhân muốn hạn chế sử dụng thuốc lâu dài, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện các thủ thuật sau:

  • Phẫu thuật khâu xếp nếp đáy vị vào thực quản (fundoplication): Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành quấn phần trên của dạ dày vào xung quanh cơ thắt thực quản dưới để thắt chặt cơ và ngăn trào ngược. 
  • Thủ thuật TIF: Thủ thuật mới này sử dụng một dây polypropylene để thắt chặt cơ vòng thực quản. Thủ thuật TIF ít xâm lấn, khả năng phục hồi nhanh. 
  • Sử dụng thiết bị LINX: LINX là một vòng hạt nhỏ có từ tính. Vòng hạt này sẽ được đặt ở nơi tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản. Lực hút từ tính giữa các hạt cho phép thức ăn đi xuống dạ dày nhưng không để dịch dạ dày trào ngược lên lại thực quản.

Cách phòng ngừa bệnh

Để phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản, điều quan trọng là bạn cần thay đổi chế độ và thói quen ăn uống. 

Theo đó, bạn nên tránh các loại thực phẩm gây kích thích trào ngược acid dạ dày như thức ăn cay, đồ chiên rán, thực phẩm nhiều chất béo, sô-cô-la, nước sốt cà chua, tỏi, hành tây, rượu bia, cà phê, đồ uống có ga, trái cây có múi… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Một số thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản. Theo đó, bạn không nên ăn một bữa lớn mà hãy chia thành các bữa nhỏ trong ngày. Bạn cũng nên ngồi thẳng lưng khi ăn và tránh nằm trong vòng 45-60 phút sau ăn. Việc ăn trước khi ngủ cũng dễ gây trào ngược acid dạ dày nên bạn hãy ăn trước khi ngủ ít nhất 3 giờ nhé.

Ngoài ra, bạn cũng nên bỏ các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, lười vận động để giúp ngăn ngừa tình trạng này.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì, cách nhận biết cũng như ngăn ngừa tình trạng trào ngược acid dạ dày. Nếu nhận thấy tình trạng trào ngược acid dạ dày, ợ nóng xảy ra, bạn nên thay đổi lối sống từ bây giờ để hạn chế bệnh tiến triển thành mạn tính và gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tiêu chảy: Vấn đề thường gặp nhưng bạn đã hiểu rõ? Tiêu chảy: Vấn đề thường gặp nhưng bạn đã hiểu rõ?
Các bệnh lý khác

Tiêu chảy: Vấn đề thường gặp nhưng bạn đã hiểu rõ?

Cúm A: Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào Cúm A: Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào
Các bệnh lý khác

Cúm A: Dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào

Bệnh đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào? Bệnh đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào?
Các bệnh lý khác

Bệnh đậu mùa khỉ có lây không và lây qua đường nào?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK