Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ

Táo bón là tình trạng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tình trạng táo bón kéo dài không chỉ tác động xấu đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người mắc phải.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-11-17
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Táo bón là gì?Triệu chứng táo bónNguyên nhân gây táo bónAi có nguy cơ bị táo bón?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa
Táo bón: Tình trạng thường gặp nhưng ít người hiểu rõ

Vậy táo bón là gì? Nguyên nhân gây táo bón và triệu chứng thường gặp như thế nào? Cùng Bảo hiểm Bowtie tìm hiểu thêm về tình trạng này trong bài viết dưới đây nhé!

Táo bón là gì?

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa, xảy ra khi tần suất đi đại tiện của một người ít hơn ba lần/tuần. Tình trạng này khiến phân trở nên khô cứng, khó tống xuất ra ngoài và có thể gây đau trong quá trình đại tiện.  

Táo bón thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và có thể được khắc phục dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, tình trạng này kéo dài và gây táo bón mạn tính

Triệu chứng táo bón

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của táo bón là:

  • Đi đại tiện ít hơn 3 lần một tuần
  • Phân vón cục hoặc khô cứng, có thể lẫn máu do chảy máu hậu môn
  • Đau khi đi đại tiện
  • Gặp khó khăn khi đi đại tiện, phải rặn mạnh để tống xuất phân ra ngoài
  • Cảm giác như có một khối tắc nghẽn trong trực tràng
  • Cảm giác không thể tống hết phân ra khỏi trực tràng
  • Cần sự hỗ trợ để tống xuất phân ra ngoài, chẳng hạn như dùng tay ấn vào bụng
  • Chướng bụng, hậu môn căng tức, luôn có cảm giác muốn đi đại tiện nhưng khó hoặc không đại tiện được
  • Tinh thần uể oải, khó chịu
  • Căng tức bụng dưới, đau quặn bụng

Nguyên nhân gây táo bón

Táo bón thường xảy ra do phân di chuyển quá chậm trong đường tiêu hóa hoặc không được loại bỏ hiệu quả khỏi trực tràng, từ đó khiến chúng trở nên khô và cứng. Một số nguyên nhân có thể góp phần gây táo bón, bao gồm:

  • Chế độ ăn ít chất xơ: Chất xơ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và bài tiết phân. Chất xơ gồm hai loại là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan có khả năng làm mềm phân, trong khi đó chất xơ không hòa tan sẽ giúp phân di chuyển nhanh hơn qua ruột. Vì vậy, nếu không bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn uống, bạn có khả năng cao bị táo bón. 
  • Không uống đủ nước: Chất xơ giúp hỗ trợ quá trình tống xuất phân nhưng chỉ hoạt động thật sự hiệu quả khi có nước. Vì vậy, dù ăn nhiều chất xơ nhưng không uống đủ nước thì bạn vẫn có thể bị táo bón.
  • Ít vận động: Lối sống ít vận động, không thường xuyên tập thể dục cũng là nguyên nhân phổ biến gây táo bón.
  • Thường xuyên nhịn đi vệ sinh: Thói quen nhịn đi vệ sinh sẽ khiến phân tồn tại lâu hơn trong hệ tiêu hóa, làm nước bị tái hấp thu nhiều hơn và khiến phân trở nên khô cứng, khó di chuyển ra ngoài. Việc thường xuyên “phớt lờ” cảm giác muốn đi đại tiện cũng dẫn đến tình trạng ít nhạy cảm hơn với các tín hiệu đi vệ sinh bình thường.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc được sử dụng để điều trị bệnh có thể gây táo bón như thuốc giảm đau mạnh, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuống kháng axit có chứa canxi hoặc nhôm, thuốc kháng histamine, thuốc chống co giật, thuốc chống buồn nôn, thuốc hạ huyết áp…
  • Các vấn đề sức khỏe và bệnh lý khác: Một số vấn đề sức khỏe cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón, chẳng hạn như các bệnh nội tiết, hội chứng ruột kích thích, nứt hậu môn, thoát vị ở bụng, ung thư đại trực tràng…

Ai có nguy cơ bị táo bón?

Trên thực tế, hầu hết mọi người đều đã từng bị táo bón ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ bị táo bón thường xuyên và kéo dài hơn người khác, bao gồm:

  • Những người trên 60 tuổi
  • Là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai hoặc vừa sinh con
  • Người uống ít nước, bị mất nước
  • Người có chế độ ăn uống ít chất xơ
  • Người ít hoặc không vận động thể chất
  • Người đang dùng một số thuốc điều trị bệnh như thuốc giảm đau opioid, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp…
  • Người mắc các bệnh thần kinh hoặc rối loạn tiêu hóa
  • Người có thói quen nhịn đi vệ sinh
Yếu tố nguy cơ táo bón
Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị táo bón.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán táo bón, các bác sĩ có thể thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Thăm hỏi tiền sử bệnh lý và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải: Bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi để khai thác tiền sử bệnh, triệu chứng bệnh nhân gặp phải cũng như tìm kiếm các yếu tố có thể gây táo bón.
  • Khám trực tràng (DRE): Bác sĩ sẽ đưa một ngón tay đã đeo găng tay vào trực tràng của bệnh nhân để đánh giá mức độ co giãn của các cơ đóng hậu môn nhằm phát hiện ra tình trạng đau, tắc nghẽn, số lượng và kích thước của phân…
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này nhằm tìm kiếm các vấn đề sức khỏe toàn thân như suy giáp, nồng độ canxi cao… có thể gây táo bón.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp bác sĩ xác định xem bệnh nhân có bị tắc ruột hoặc có phân trong đại tràng hay không.
  • Nội soi đại tràng, soi đại tràng sigma: Các phương pháp này sẽ giúp bác sĩ quan sát được bên trong ruột và tìm kiếm các dấu hiệu bất thường.
  • Chẩn đoán hình ảnh (CT, MRI): Các phương pháp này sẽ cung cấp cho bác sĩ hình ảnh rõ nét về đường tiêu hóa để từ đó xác định được những vấn đề có thể gây ra táo bón.
  • Các xét nghiệm chức năng ruột khác: Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm nhằm kiểm tra khả năng giữ và thải phân của trực tràng cũng như hậu môn. Những xét nghiệm này được sử dụng để loại trừ nguyên nhân gây táo bón do rối loạn chức năng bài tiết.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị táo bón sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Hầu hết các trường hợp táo bón nhẹ đến vừa đều có thể tự kiểm soát tại nhà. Theo đó, bệnh nhân sẽ được khuyến khích bổ sung những loại thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn, uống đủ nước, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, đi tiêu khi có nhu cầu, tránh căng thẳng mệt mỏi, thay đổi lịch sinh hoạt khoa học. 

Đối với những trường hợp táo bón kéo dài, mạn tính thì các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Thụt hậu môn: Phương pháp này được áp dụng khi bệnh nhân không thể tự đi đại tiện được.
  • Thuốc: Những loại thuốc được sử dụng điều trị táo bón chủ yếu là các thuốc nhuận tràng như thuốc nhuận tràng tạo khối, thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thuốc làm mềm phân… 
  • Phẫu thuật: Tình trạng táo bón do ung thư, sa trực tràng hoặc trĩ có thể cần phẫu thuật để điều trị.
Điều trị táo bón
Người bị táo bón nhẹ đến vừa được khuyến khích bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh.

Cách phòng ngừa

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không muốn gặp phải những bất tiện, khó chịu do táo bón gây ra, bạn hãy lưu lại những cách phòng ngừa táo bón sau: 

  • Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống: Các loại thực phẩm giàu chất xơ tốt cho sức khỏe là trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Hãy bổ sung ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế các loại thức uống chứa caffeine như cà phê, trà, nước ngọt.
  • Thường xuyên tập thể dục, thể thao: Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp tăng nhu động ruột, phục hồi chức năng tiêu hóa một cách hiệu quả.
  • Tạo thói quen đi vệ sinh hàng ngày: Bạn tốt nhất nên tạo một thói quen đi vệ sinh hàng ngày, đặc biệt cần tránh nhịn đi đại tiện. 
  • Xem lại những loại thuốc đang sử dụng: Nếu bạn bị táo bón trong quá trình dùng thuốc, hãy trao đổi lại với bác sĩ để được xem xét thay đổi thuốc khi cần. 

Cùng với đó, mỗi người cần chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tầm soát và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe và bệnh lý có khả năng gây ra táo bón. 

Táo bón có nguy hiểm không?

Thông thường, táo bón chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, khi táo bón kéo dài trong vài tuần hoặc đã trở nên mạn tính thì có thể gây ra các biến chứng như:

  • Bệnh trĩ: Táo bón thường xuyên khiến người bệnh phải dùng lực mạnh để tống xuất phân ra ngoài. Điều này vô tình làm sưng các tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn và gây ra bệnh trĩ.
  • Nứt hậu môn: Phân khô, cứng có thể gây ra các vết rách ở hậu môn, làm xuất huyết hậu môn.
  • Sa trực tràng: Việc cố đi đại tiện khi bị táo bón có thể làm một đoạn nhỏ trực tràng bị giãn và thoát ra khỏi hậu môn. Tình trạng này gọi là sa trực tràng. 

Táo bón cũng có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn phân, phân cứng bó chặt ruột và trực tràng nên không dùng sức tống phân ra ngoài được. Lúc này, bệnh nhân cần phải nhờ đến sự can thiệp y tế. Ngoài ra, tình trạng táo bón cũng có thể làm suy yếu các cơ sàn chậu và gây ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bàng quang, từ đó dẫn đến tiểu không tự chủ.

Người bị táo bón nên ăn gì?

Người bị táo bón nên bổ sung các loại thực phẩm sau đây vào chế độ ăn uống: 

  • Trái cây: Đây là “thực phẩm vàng” dành cho người bị táo bón bởi chúng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và ít calo. Để khắc phục tình trạng táo bón, bạn nên ăn nhiều táo, lê, cam, chuối… Bạn có thể ăn trực tiếp, uống sinh tố trái cây hoặc dùng trái cây để trộn salad.
  • Rau xanh: Sở hữu hàm lượng chất xơ dồi dào, bổ sung nhiều rau xanh sẽ giúp làm mềm phân, tăng cường hoạt động của nhu động ruột.
  • Khoai lang và các loại đậu: Đây là những thực phẩm có tác dụng làm mềm phân, nhuận tràng, kích thích tiêu hóa.
  • Sữa chua: Trong sữa chua có chứa lượng lớn lợi khuẩn nên rất tốt cho hệ tiêu hóa. 

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng táo bón. Thông thường, táo bón chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vì vậy, nếu bị táo bón kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân cụ thể nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết
Các bệnh lý khác

Hen suyễn về đêm và những thông tin cần biết

Thực đơn cho người sốt xuất huyết: Hỗ trợ phục hồi, tăng đề kháng Thực đơn cho người sốt xuất huyết: Hỗ trợ phục hồi, tăng đề kháng
Các bệnh lý khác

Thực đơn cho người sốt xuất huyết: Hỗ trợ phục hồi, tăng đề kháng

Bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi? Bổ sung ngay 8 nhóm thực phẩm này Bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi? Bổ sung ngay 8 nhóm thực phẩm này
Các bệnh lý khác

Bị cúm A ăn gì cho nhanh khỏi? Bổ sung ngay 8 nhóm thực phẩm này

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK