Các bệnh lý khác
Các bệnh lý khác

Các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường type 2 (tiểu đường type 2) thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi chuyển biến nặng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với những biến chứng đái tháo đường type 2 vô cùng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-19
Cập nhật ngày 2023-04-26
Nội dung chính
Các biến chứng của đái tháo đường type 2Cách phòng ngừa biến chứng đái tháo đường type 2

Các biến chứng đái tháo đường type 2

Theo thống kê của Bộ Y Tế năm 2019, phần lớn bệnh nhân đái tháo đường thuộc nhóm đái tháo đường type 2. Bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được kiểm soát hiệu quả. Vậy đái tháo đường type 2 nguy hiểm đến thế nào? Trong bài viết này, Bowtie Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về các biến chứng của đái tháo đường type 2.

Các biến chứng của đái tháo đường type 2

Đái tháo đường (hay tiểu đường) là nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng đến quá trình cơ thể sử dụng glucose để tạo ra năng lượng. Trong đó, đái tháo đường type 2 xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi các tế bào trong cơ thể không đáp ứng hiệu quả với hormone này. 

Bệnh đái tháo đường type 2 có diễn biến vô cùng phức tạp, có khả năng gây tổn thương đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, thận, mắt, tứ chi…. Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cũng là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh mạn tính nghiêm trọng khác. Kiểm soát bệnh đái tháo đường và kiểm soát lượng đường trong máu sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh hoặc các bệnh lý kèm theo (bệnh đi kèm).

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2 mà bệnh nhân có thể gặp phải là:

  • Bệnh tim mạch: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường type 2, có tỉ lệ tử vong gần 70% nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, suy tim…, thậm chí là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Tổn thương dây thần kinh ở các chi: Lượng đường trong máu tăng cao, kéo dài có thể làm tổn thương hoặc phá hủy các dây thần kinh, dẫn đến tình trạng ngứa ran, tê bì tay chân, đau rát, thậm chí là mất cảm giác. Tình trạng này thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và lan dần lên phía trên. Mất cảm giác là triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng vì khiến bệnh nhân mất chú ý vào các chấn thương, từ đó dẫn đến nhiễm trùng nặng có thể phải cắt bỏ chi. 
  • Tổn thương các dây thần kinh khác: Tổn thương các dây thần kinh của tim gây khó thở, nhịp tim không đều. Tổn thương dây thần kinh trong hệ tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Đối với nam giới, tổn thương dây thần kinh do biến chứng của đái tháo đường type 2 có thể gây rối loạn cương dương.
  • Bệnh thận: Biến chứng của bệnh đái tháo đường type 2 trên thận có thể khiến người bệnh mắc bệnh thận mạn tính hoặc suy thận. Người bệnh có thể phải lọc máu hoặc ghép thận để điều trị.
  • Tổn thương mắt. Mức đường huyết cao liên tục kèm với huyết áp và cholesterol cao là những nguyên nhân chính gây tổn thương mắt. Đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng về mắt, chẳng hạn như đục thủy tinh thể và glô-côm. Đái tháo đường type 2 cũng có thể gây tổn thương các mạch máu của võng mạc, dẫn đến bệnh võng mạc đái tháo đường. Bệnh lý này có khả năng gây mù lòa nếu không được điều trị sớm.
  • Các vấn đề về da: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 dễ mắc các vấn đề về da như nhiễm trùng da, nấm da,…
  • Các vấn đề về răng miệng: Lượng đường trong máu tăng cao cũng khiến lượng đường trong nước bọt tăng lên. Điều này tạo điều kiện để các vi khuẩn tấn công men răng và làm tổn thương nướu. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ bị viêm nha chu và viêm nướu răng cao hơn người bình thường.
  • Rối loạn sinh lý: Tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể gây ra nhiều rối loạn sinh lý, chẳng hạn như giảm ham muốn, rối loạn cương dương ở nam giới và khô âm đạo, giảm ham muốn ở nữ giới.
  • Giảm thính lực: Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ giảm thính lực, giảm khả năng nghe cao gấp đôi người bình thường.
  • Ngưng thở khi ngủ: Nguyên nhân do nhịp thở ngắt quãng, nhịp thở nông và người bệnh đái tháo đường type 2 thường ngáy khi ngủ.
  • Suy giảm trí nhớ: Bệnh đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các rối loạn nhận thức khác như chứng mất trí nhớ, sa sút trí tuệ và giảm khả năng tư duy.
Suy giảm trí nhớ và nhận thức là một biến chứng đái tháo đường type 2
Bệnh đái tháo đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các rối loạn nhận thức khác.

Cách phòng ngừa biến chứng đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường type 2 có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh là cách tốt nhất giúp bạn không phải đối mặt với các biến chứng này. Nếu không may mắc bệnh, bạn vẫn có thể kiểm soát hiệu quả để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. 

Việc xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học đóng một vai trò quan trọng trong quá trình ngăn ngừa và kiểm soát đái tháo đường type 2. Theo đó, bạn hãy:

  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Với những người chưa mắc bệnh, bạn nên kiểm tra đường huyết định kỳ để phát hiện sớm các bất thường. Đặc biệt, những người trên 45 tuổi nên kiểm tra đường huyết ít nhất 3 năm 1 lần. Người đã mắc bệnh cần theo dõi đường huyết mỗi ngày để tránh tình trạng đường huyết tăng quá cao hoặc giảm quá thấp, từ đó kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
  • Ăn uống lành mạnh: Bạn nên bổ sung nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt vào chế độ ăn uống, đồng thời tránh xa các thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ, chất béo không lành mạnh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có ga, có cồn,…
  • Không hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn khoảng 50% so với những người không hút. Vì vậy hãy chủ động tránh xa thuốc lá nhằm góp phần ngăn ngừa bệnh đái tháo đường hiệu quả.
  • Tăng cường vận động thể chất: Bạn hãy dành khoảng 150 phút mỗi tuần để thực hiện các bài tập thể dục cường độ vừa như đi bộ, đạp xe hay bơi lội (với những người có thể trạng tốt).
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Thiếu ngủ làm xáo trộn sự cân bằng hormone trong cơ thể, từ đó dễ gây đái tháo đường. Ngủ đủ 8 tiếng/ngày, nghỉ ngơi hợp lý sẽ góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 1,5 – 2 lít nước/ngày góp phần giảm nguy cơ mắc đái tháo đường.
  • Giảm cân (đối với người thừa cân, béo phì): Trọng lượng của cơ thể có liên quan mật thiết tới nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Nếu bạn bị tiền đái tháo đường, giảm từ 7% đến 10% trọng lượng cơ thể có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
  • Duy trì tinh thần lạc quan: Các hormone mà cơ thể tạo ra khi căng thẳng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của insulin. Suy nghĩ tích cực, nghe nhạc thư giãn, ngồi thiền,… giúp thư giãn tinh thần và góp phần phòng ngừa đái tháo đường.
  • Tuân thủ điều trị: Với bệnh nhân đái tháo đường type 2, việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng bệnh hiệu quả. Nếu mắc các bệnh lý khác như tiền đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol và triglyceride cao, bạn cũng nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 hoặc ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.

Hy vọng những thông tin về các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường type 2 trên đây sẽ là cẩm nang hữu ích giúp bạn phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường
Các bệnh lý khác

Bệnh giang mai giai đoạn cuối - Mối nguy hiểm khôn lường

Triệu chứng viêm phổi theo nguyên nhân và đối tượng Triệu chứng viêm phổi theo nguyên nhân và đối tượng
Các bệnh lý khác

Triệu chứng viêm phổi theo nguyên nhân và đối tượng

Cảm lạnh: Căn bệnh thường gặp nhưng ít người hiểu rõ Cảm lạnh: Căn bệnh thường gặp nhưng ít người hiểu rõ
Các bệnh lý khác

Cảm lạnh: Căn bệnh thường gặp nhưng ít người hiểu rõ

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK