Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, dù bệnh có thể xảy ra ở cả nam giới (chỉ chiếm khoảng 1% các trường hợp). Các chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh lý này đã tạo ra cơ hội để người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả hơn. Hãy cùng Bowtie tìm hiểu chi tiết về các dấu hiệu, nguy cơ và cách phòng ngừa căn bệnh này qua bài viết sau nhé.
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào ở vú phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo ra các khối u ác tính có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa (thường gặp nhất là di căn đến gan, phổi, não và xương). Ung thư vú được chia thành nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào loại tế bào vú biến đổi thành tế bào ung thư.
Cấu tạo giải phẫu vú gồm 3 phần chính là tiểu thùy, ống dẫn sữa và mô liên kết bao quanh (mô sợi và mô mỡ). Tế bào ung thư có thể xuất hiện ở các phần khác nhau. Phần lớn ung thư vú bắt nguồn từ các ống dẫn sữa hoặc tiểu thùy.
Ung thư tuyến vú có khả năng xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua mạch máu và mạch bạch huyết. Khi đó, bệnh được đánh giá là đã di căn. Ung thư vú cũng có thể di căn từ một bên vú sang bên vú còn lại.
Theo số liệu thống kê của Globocan 2020, tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Dù hiếm gặp hơn nhưng nam giới cũng có khả năng phát triển ung thư vú, ước tính chiếm khoảng 1% tổng số ca.
Ung thư vú được chia thành nhiều loại khác nhau, dựa trên loại tế bào vú bị biến đổi. Hầu hết trường hợp ung thư vú là ung thư tế bào biểu mô. Các loại ung thư vú thường gặp gồm:
Ung thư vú cũng được phân loại dựa trên các protein hoặc gen cụ thể mà mỗi loại ung thư có thể tạo ra. Các loại protein/gen thường được quan tâm trong ung thư vú là thụ thể nội tiết (thụ thể estrogen, thụ thể progesteron) và thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì người số 2 (Human epidermal growth factor receptor 2 – HER2).
Việc phân loại trên giúp xác định được giai đoạn, tính chất của ung thư và là dữ liệu để bác sĩ đưa ra lựa chọn điều trị ung thư vú hiệu quả.
Quá trình hình thành và phát triển của bệnh ung thư vú ở người được chia thành nhiều giai đoạn. Dưới đây là các giai đoạn của ung thư vú:
Đây được xem là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành ung thư vú. Ở giai đoạn 0, tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện trong các ống dẫn của mô vú và chưa lan sang các mô vú cũng như các mô xung quanh.
Giai đoạn IA: Khối u có kích thước lên đến 2cm nằm trong vú, chưa lan ra ngoài vú, chưa xâm lấn đến các hạch bạch huyết lân cận cũng như chưa di căn xa.
Giai đoạn IB: Người bệnh được xác định đang ở giai đoạn IB nếu thuộc một trong 2 trường hợp sau:
Giai đoạn IIA: Người bệnh được xác định đang ở giai đoạn IIA nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp sau :
Giai đoạn IIB: Giai đoạn IIB mô tả ung thư vú thuộc 1 trong 2 trường hợp sau:
Giai đoạn IIIA: Giai đoạn IIIA mô tả ung thư vú xâm lấn, trong đó:
Giai đoạn IIIB: Khối u ở vú có kích thước bất kỳ và các tế bào ung thư đã lan đến thành ngực và/hoặc da ở vú, gây sưng và loét. Đồng thời, các tế bào ung thư có thể đã lan đến hạch bạch huyết ở nách hoặc các hạch vú trong.
Giai đoạn IIIC: Bệnh nhân có thể không có khối u ở vú hoặc có khối u với kích thước bất kỳ, các tế bào ung thư cũng có thể đã lan đến thành ngực và/hoặc da ở vú. Đồng thời, các tế bào ung thư đã lan đến 10 hạch bạch huyết ở nách trở lên, các hạch bạch huyết trên hoặc dưới xương đòn hoặc các hạch bạch huyết ở nách cùng các hạch vú trong.
Ở giai đoạn IV, tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể như các hạch bạch huyết xa, phổi, da, xương, gan, não…
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư vú có thể kể đến như:
Một số người không để ý đến các dấu hiệu ung thư vú. Vậy nên việc chụp nhũ ảnh định kỳ rất cần thiết để phát hiện ung thư vú ngay từ sớm.
Ung thư vú xảy ra khi một số tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường. Các tế bào này phân chia nhanh hơn bình thường và tạo thành khối u ác tính. Khối u ác tính có khả năng lây lan từ vú đến các hạch bạch huyết hoặc di căn xa đến các bộ phận khác của cơ thể, thậm chí là cả vú đối bên.
Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, yếu tố nội tiết, lối sống và môi trường có khả năng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, một số người không có yếu tố nguy cơ vẫn phát triển ung thư. Giả thiết cho rằng ung thư vú có khả năng xảy ra do tương tác phức tạp giữa cấu tạo gen và môi trường.
Các yếu tố nguy cơ ung thư vú khiến bạn có nhiều khả năng mắc bệnh hơn. Thế nhưng, nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cũng không chắc chắn rằng bạn sẽ bị ung thư vú. Nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh mà không hề có yếu tố nguy cơ nào ngoài việc là phụ nữ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm:
Phần lớn trường hợp ung thư vú giai đoạn đầu có tỷ lệ điều trị và kiểm soát thành công cao. Người bệnh vẫn có cuộc sống chất lượng và còn khả năng giữ lại được vú với phương pháp phẫu thuật bảo tồn hay tái tạo vú. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn sớm thì bệnh vẫn có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Ung thư vú có thể gây ra những cơn đau ở vú hoặc ở nách khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy khó chịu, đau nhức. Không những vậy, các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, giảm cân không rõ nguyên nhân… xuất hiện với mức độ nặng nhẹ khác nhau cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất của bệnh nhân. Với trường hợp khối u đã di căn, các tế bào ung thư có thể làm tổn thương cơ quan di căn đến.
Việc được chẩn đoán mắc ung thư vú cũng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người bệnh. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), gần 1/4 bệnh nhân ung thư vú bị trầm cảm. Không chỉ vậy, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề khác như thay đổi tâm trạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhận thức, giảm chất lượng cuộc sống, nghiện chất kích thích…
Không chỉ phải chịu đựng tác hại của ung thư vú, bệnh nhân còn phải đối mặt với các tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Điển hình và thường thấy nhất là tình trạng buồn nôn, nôn mửa và rụng tóc do các thuốc hóa trị. Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác của các phương pháp điều trị ung thư vú có thể kể đến là phù hạch bạch huyết, đau dây thần kinh, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, suy giảm nhận thức, mãn kinh sớm, ảnh hưởng khả năng sinh sản…
Nếu phát hiện ung thư vú ở các giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và bệnh nhân có thể tử vong. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư vú là 90%. Điều đó có nghĩa là khoảng 90% người được chẩn đoán ung thư vú vẫn còn sống sau 5 năm. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, khi chia theo từng giai đoạn, tỷ lệ này sẽ thay đổi như sau:
Tỷ lệ sống sót trên chỉ là ước tính. Mỗi trường hợp sẽ có tiên lượng khác nhau và thời gian sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tốt nhất bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được đánh giá cụ thể tình trạng bệnh và các yếu tố khác.
Những phương pháp được dùng để chẩn đoán ung thư vú gồm:
Sau khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiếp tục xem xét để xác định giai đoạn ung thư vú hiện tại. Điều này giúp bác sĩ ước tính tiên lượng, từ đó làm cơ sở để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Bác sĩ cũng sẽ dựa trên mong muốn của từng người bệnh để điều chỉnh phác đồ. Dưới đây là một số phương pháp được dùng để điều trị ung thư vú:
Các lựa chọn trong phẫu thuật điều trị ung thư vú gồm:
Người bệnh đôi khi gặp phải biến chứng sau phẫu thuật điều trị ung thư vú, tùy vào loại thủ thuật được thực hiện. Sau khi phẫu thuật, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà người bệnh có thể quyết định có tái tạo lại vú hay không.
Phương pháp này sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao, như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị trong ung thư vú thường được thực hiện từ bên ngoài (dùng máy phát ra chùm tia năng lượng cao nhắm vào vị trí đích trên cơ thể).
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào có tốc độ phát triển nhanh, bao gồm cả tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được dùng sau khi phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát ung thư hoặc ung thư di căn sang bộ phận khác. Trường hợp khối u ung thư vú lớn, bác sĩ thường tiến hành hóa trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u.
Các phương pháp điều trị ung thư vú khác cũng có thể đem đến hiệu quả tốt như:
Thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc ung thư vú. Theo đó, bạn hãy:
Nếu có nguy cơ cao bị ung thư vú, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các phương pháp phòng ngừa bệnh chủ động hơn, chẳng hạn như:
Hầu hết các trường hợp u xơ tuyến vú không dẫn đến hoặc chuyển thành ung thư vú. Tuy nhiên, việc mắc một số loại u xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt ở những phụ nữ có tiền sử gia đình bị bệnh.
Ung thư vú có xu hướng xảy ra ở phụ nữ trung và cao niên. Độ tuổi mắc ung thư vú ở nữ thường gặp là trên 55 tuổi. Trong khi đó, ở nam giới, độ tuổi bị ung thư vú phổ biến là 60 – 70.
Ung thư vú không phải là một bệnh truyền nhiễm nên không có khả năng lây truyền. Tế bào ung thư không thể lây từ người này sang người khác nên bạn không cần lo lắng nhé.
Theo thống kê, khoảng 5 – 10% trường hợp ung thư vú có liên quan đến các đột biến gen được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó, hai đột biến di truyền thường gặp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh là đột biến gen BRCA1 và BRCA2 (có liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng).
Trên thực tế, việc cho con bú có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, phụ nữ cho con bú cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng phát triển bệnh.
Ung thư vú có thể gây ra tình trạng sưng đau ở vú. Đau vú là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh lý này. Tuy nhiên, đau vú đôi khi cũng là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe khác ít nghiêm trọng hơn. Vì vậy, để xác định chính xác việc đau vú có phải bị ung thư không, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám.
Ngoài ra, nếu di căn, ung thư vú cũng có thể gây đau ở các cơ quan mà tế bào ung thư xâm lấn đến.
Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả. Ngược lại, việc nhận biết bệnh trễ cũng như trì hoãn điều trị trong thời gian càng lâu thì cơ hội điều trị thành công sẽ càng giảm. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, bệnh nhân gần như không thể chữa khỏi được nữa.
Ngoài ra, việc ung thư vú có trị được không sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như mức độ lây lan của tế bào ung thư, phương pháp điều trị được lựa chọn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân…
Việc bệnh nhân ung thư vú sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị… Theo đó, để ước tính tiên lượng sống của người bị ung thư vú, các chuyên gia thường sử dụng tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm làm giá trị tham khảo.
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm sẽ so sánh thời gian sống giữa những người mắc cùng loại và giai đoạn ung thư vú với tổng thể dân số. Theo đó, Hiệp hội Ung thư Mỹ đã dựa vào thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER để thống kê tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm đối với ung thư vú như sau:
Giai đoạn ung thư |
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm |
Giai đoạn khu trú (Ung thư chưa lan ra ngoài vú) | 99% |
Giai đoạn xâm lấn (Ung thư đã lây lan đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết lân cận) | 86% |
Giai đoạn di căn (Ung thư đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể như gan, phổi hoặc xương) | 29% |
Kết hợp tất cả giai đoạn | 90% |
Hy vọng những thông tin mà Bowtie cung cấp trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh ung thư vú. Đây là một căn bệnh ung thư nguy hiểm, có khả năng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đôi khi dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi nhận thấy các bất thường trên cơ thể, đặc biệt là ở vùng vú, bạn nên đến bệnh viện thăm khám sớm nhé.
© 2025 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.