Bệnh thận - tiết niệu
Bệnh thận - tiết niệu

Những điều bạn cần biết về bệnh thận

Bệnh thận thường không có biểu hiện gì ở giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện từ sớm. Đến khi nhận thấy những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thì chức năng thận thường đã bị suy giảm khá nhiều.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-10-04
Cập nhật ngày 2023-05-15
Nội dung chính
Bệnh thận là gì?Các bệnh về thận thường gặpDấu hiệu và triệu chứngNguyên nhân, yếu tố nguy cơBệnh thận có nguy hiểm không?Phương pháp chẩn đoánPhương pháp điều trịCách phòng ngừa

Những điều bạn cần biết về bệnh thận

Thận đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sự cân bằng giữa nước, muối và khoáng chất trong cơ thể. Mỗi quả thận với hàng triệu đơn vị lọc nephron sẽ tiến hành lọc máu, giữ lại các chất cần thiết và loại bỏ chất thải ra bên ngoài. Đồng thời, thận còn góp phần sản xuất ra các hormone đóng nhiều vai trò quan trọng như kiểm soát huyết áp, tạo ra hồng cầu và giữ cho xương chắc khỏe. 

Do đó, nếu cơ quan này bị tổn thương và suy giảm chức năng thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nhiều vấn đề, bệnh lý có thể gây tổn thương đến thận. Cùng Bowtie Việt Nam tìm hiểu về bệnh thận để nhận biết bệnh sớm cũng như có phương pháp bảo vệ cơ quan này tốt hơn.

Bệnh thận là gì?

Bệnh thận là thuật ngữ dùng để chỉ chung các vấn đề, bệnh lý gây tổn thương thận, khiến thận không thể thực hiện các chức năng như bình thường. Bệnh thận có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai quả thận, đôi khi gây hại đến cả các cơ quan khác trong cơ thể. 

Bệnh thận thường được chia thành hai dạng là cấp tính và mạn tính:

  • Tổn thương thận cấp tính: Trong trường hợp này, hoạt động của thận đột nhiên dừng lại, chức năng thận có thể mất tạm thời hoặc bị suy thận hoàn toàn. Đây thường là biến chứng của một bệnh lý nghiêm trọng khác. Tổn thương thận cấp tính cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu không, sự tích tụ của muối và các chất trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của những cơ quan khác.
  • Bệnh thận mạn: Bệnh thận mạn là một bệnh lý mạn tính xảy ra khi thận không còn hoạt động tốt như bình thường. Bệnh tiến triển có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được lọc máu hoặc ghép thận.

Các bệnh về thận thường gặp

Như đã đề cập, bệnh thận là thuật ngữ chung dùng để chỉ nhiều vấn đề, bệnh lý khác nhau ảnh hưởng đến thận. Trong đó, một số bệnh về thận phổ biến, có tỷ lệ mắc cao là:

  • Sỏi thận
  • Viêm cầu thận
  • Hội chứng thận hư
  • Thận ứ nước
  • Nhiễm trùng thận
  • Bệnh nang thận
  • Suy thận
  • Ung thư thận

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh thận

Bệnh thận được xem là một căn bệnh “thầm lặng” vì thường không có hoặc rất ít biểu hiện triệu chứng. Thực tế, trong nhiều trường hợp, khi chức năng thận đã suy giảm đến 90% so với bình thường, bệnh nhân mới bắt đầu nhận thấy các triệu chứng. Một số dấu hiệu và triệu chứng bệnh thận thường gặp là:

  • Thay đổi về tần suất đi vệ sinh và lượng nước tiểu, đi tiểu nhiều vào ban đêm (thường tăng trong thời gian đầu)
  • Xuất hiện máu trong nước tiểu
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu hoặc nước tiểu sủi bọt
  • Phù ở quanh chân và mắt cá chân
  • Đau lưng (ở vị trí dưới xương sườn)
  • Cảm thấy đau hoặc bỏng rát khi đi tiểu
  • Tăng huyết áp

Khi thận bắt đầu suy giảm chức năng, dịch và các chất thải bị tích tụ dần trong máu sẽ dẫn đến các vấn đề như:

  • Mệt mỏi và mất tập trung
  • Cảm thấy không khỏe
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Thở nông, khó thở
  • Cảm giác ngứa ngáy, phát ban da
  • Hơi thở có mùi hôi và miệng có vị kim loại
Triệu chứng bệnh thận
Đau thắt lưng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh thận thường gặp.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây ra các bệnh lý về thận rất đa dạng, tùy thuộc vào loại bệnh. Các vấn đề di truyền, chấn thương hoặc tác dụng phụ của một số thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thận. Một người cũng có khả năng cao bị bệnh thận nếu sở hữu các yếu tố nguy cơ như:

  • Bị tăng huyết áp
  • Mắc đái tháo đường type 2
  • Có các vấn đề về tim (suy tim hoặc từng bị nhồi máu cơ tim), đột quỵ
  • Béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI lớn hơn 30)
  • Trên 60 tuổi
  • Gia đình có tiền sử bị suy thận
  • Hút thuốc
  • Từng bị tổn thương thận cấp tính

Bệnh thận có nguy hiểm không?

Những người bị tổn thương thận cấp tính có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng, như:

  • Tăng kali máu, có khả năng dẫn đến yếu cơ, tê liệt và ảnh hưởng đến nhịp tim
  • Tích tụ dịch trong cơ thể gây phù nề ở chân hoặc trong phổi (phù phổi)
  • Nhiễm toan chuyển hóa (máu có tính axit), có thể gây buồn nôn, nôn mửa, buồn ngủ, khó thở
  • Tiến triển thành bệnh thận mạn tính

Đối với người mắc bệnh thận mạn tính, khả năng phát triển các vấn đề sức khỏe cũng tăng lên, đặc biệt là bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch bao gồm những bệnh lý ảnh hưởng đến tim, mạch máu như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở những người bị bệnh thận.

Ngoài ra, bệnh thận mạn tính có thể gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể và dẫn đến:

  • Giữ nước gây phù, tăng huyết áp
  • Tăng kali máu
  • Thiếu máu
  • Tăng nguy cơ bị gãy xương
  • Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương
  • Làm suy yếu hệ miễn dịch
  • Viêm màng ngoài tim
  • Biến chứng thai kỳ cho cả mẹ và thai nhi
  • Tổn thương thận không thể phục hồi (giai đoạn cuối) và người bệnh cần phải lọc máu hoặc ghép thận.

Phương pháp chẩn đoán

Nếu nghi ngờ bạn đang có vấn đề ở thận, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra chức năng thận để đánh giá mức độ hoạt động của thận, xác định bệnh và lên kế hoạch điều trị.

Những xét nghiệm giúp đánh giá chức năng thận bao gồm:

  • Xét nghiệm albumin, đo nồng độ một loại protein có tên là albumin ở trong máu hoặc nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu để xem xét nồng độ các chất thải có trong máu và tính độ lọc cầu thận.
  • Kiểm tra huyết áp vì bệnh thận có thể khiến huyết áp tăng cao và làm tổn thương đến những mạch máu nhỏ trong thận. Chính bệnh tăng huyết áp cũng có khả năng gây ra bệnh thận.
  • Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) để quan sát hình ảnh của thận và đường tiết niệu. Chẩn đoán hình ảnh giúp xác định được kích thước thận, vị trí sỏi hoặc khối u ở thận (nếu có) cũng như tìm ra những bất thường trong cấu trúc của thận và đường tiết niệu.
  • Sinh thiết thận, lấy một mẫu mô nhỏ ở thận và quan sát dưới kính hiển vi.

Bác sĩ sẽ quyết định bạn nên làm những xét nghiệm nào để đưa ra được chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Chẩn đoán bệnh thận
Siêu âm là một phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán các bệnh về thận.

Phương pháp điều trị bệnh thận

Tùy vào từng bệnh lý cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh thận phù hợp. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bạn có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Trong giai đoạn đầu, việc thay đổi lối sống và dùng thuốc theo chỉ định sẽ giúp bảo toàn chức năng thận.

Khi chức năng thận suy giảm còn dưới 10% so với bình thường thì người bệnh cần được lọc máu hoặc ghép thận. Lọc máu là phương pháp điều trị suy thận, giúp thực hiện thay phần chức năng bị mất của thận bằng cách loại bỏ dịch và các chất thải dư thừa ra khỏi máu thông qua một hệ thống lọc đặc biệt.

Cách phòng ngừa bệnh thận

Để phòng tránh các bệnh thận, bạn cần có một lối sống lành mạnh kết hợp từ chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, vận động thể chất hợp lý. Việc bảo vệ sức khỏe chưa bao giờ là quá muộn nên hãy cố gắng thay đổi thói quen sống ngay từ hôm nay. Điều này không chỉ giúp phòng ngừa mỗi bệnh thận mà còn nâng cao sức khỏe nói chung. Theo đó, bạn nên:

  • Uống đủ lượng nước cần thiết để làm loãng máu và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Không nên uống quá ít hoặc quá nhiều nước so với nhu cầu vì sẽ làm tăng áp lực cho thận.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất. Bạn cần giảm bớt lượng muối và protein tiêu thụ để giảm áp lực cho thận, hạn chế các thực phẩm gây tác động xấu đến thận như thức ăn chứa nhiều kali, canxi, phốt pho, rượu, bia…
  • Luyện tập thể dục thể thao vừa phải, đều đặn mỗi ngày. Tuy nhiên, những người thận yếu cần chú ý chọn những bài vận động nhẹ nhàng hơn như yoga, đi bộ…
  • Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi các chỉ số đường huyết, huyết áp, trọng lượng cơ thể. Đồng thời, bạn cũng cần kiểm tra chức năng thận nếu có những yếu tố nguy cơ cao.
  • Chú ý khi dùng các loại thuốc không kê đơn như thuốc giảm đau, kháng viêm vì có thể gặp tác dụng phụ trên thận.
  • Bỏ hút thuốc vì khói thuốc có thể gây tổn thương thận và làm trầm trọng hơn các vấn đề ở thận.

Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã có cái nhìn tổng quan về bệnh thận và chú ý chăm sóc bản thân tốt hơn. Hãy nhớ rằng, việc bảo vệ sức khỏe không bao giờ là quá muộn.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Vì sao sỏi thận gây đau lưng? Vì sao sỏi thận gây đau lưng?
Bệnh thận - tiết niệu

Vì sao sỏi thận gây đau lưng?

Những điều cần biết về viêm bàng quang Những điều cần biết về viêm bàng quang
Bệnh thận - tiết niệu

Những điều cần biết về viêm bàng quang

Phì đại tuyến tiền liệt (Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt) là gì? Phì đại tuyến tiền liệt (Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt) là gì?
Bệnh thận - tiết niệu

Phì đại tuyến tiền liệt (Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt) là gì?

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK