Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp là gì? Hậu quả của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì ít biểu hiện triệu chứng nhưng lại có khả năng gây biến chứng cao. Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu ca tử vong do biến chứng của tăng huyết áp.
Biên tập bởi Bowtie Việt Nam
Ngày đăng 2022-09-12
Cập nhật ngày 2023-05-09
Nội dung chính
Bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp) là gì?Phân độ tăng huyết ápNgười bị tăng huyết áp có biểu hiện gì?Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết ápCơ chế bệnh sinh của tăng huyết ápCác yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết ápTăng huyết áp có nguy hiểm không và gây hậu quả gì? Phương pháp chẩn đoán cao huyết ápNgười bị tăng huyết áp nên làm gì để kiểm soát bệnh?Làm thế nào để không bị tăng huyết áp?Câu hỏi thường gặp về bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp là gì?

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp. Đến năm 2009, con số này tăng lên 25,4% và đạt đến 48% vào năm 2016.

Vậy hiện tượng tăng huyết áp là gì và nguy hiểm như thế nào? Làm sao để chẩn đoán và kiểm soát bệnh lý tim mạch này? Mời bạn cùng Bowtie tìm hiểu thêm nhé!

Bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp) là gì?

Trước khi tìm hiểu về định nghĩa tăng huyết áp, chúng ta cần hiểu huyết áp là gì. Huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu tác động lên thành các động mạch. Áp lực này được xác định bằng cách đo huyết áp và tính theo đơn vị mmHg. Huyết áp gồm 2 chỉ số là:

  • Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) là áp lực của máu tác động lên thành động mạch ở thì tâm thu, khi tim co bóp.
  • Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) là áp lực của máu tác động lên thành động mạch ở thì tâm trương, khi tim nghỉ.

Theo Bộ Y tế, tăng huyết áp (cao huyết áp) là tình trạng xảy ra khi huyết áp tâm thu của một người ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg trong ít nhất hai lần đo liên tiếp tại cơ sở y tế (hai lần đo ở hai ngày khác nhau). Tăng huyết áp được chia thành 2 loại chính là tăng huyết áp nguyên phát (tăng huyết áp không rõ nguyên nhân) và tăng huyết áp thứ phát (tăng huyết áp do một nguyên nhân xác định).

Phân độ tăng huyết áp

Dựa vào trị số huyết áp do cán bộ y tế đo được, bệnh cao huyết áp được chia thành nhiều phân độ khác nhau. Nếu huyết áp cao nhưng chưa đủ để chẩn đoán bệnh thì bệnh nhân có thể được xếp vào nhóm tiền tăng huyết áp. 

Vậy tiền tăng huyết áp là gì và phân độ cao huyết áp ra sao? Bảng thông tin phía dưới sẽ giúp bạn hiểu thêm.

Phân độ huyết áp

Huyết áp tâm thu (mmHg)

Huyết áp tâm trương (mmHg)

Huyết áp tối ưu <120 <80
Huyết áp bình thường 120 – 129 và/ hoặc 80 – 84 
Tiền tăng huyết áp 130 – 139 và/ hoặc 85 – 89
Độ 1 140 – 159 và/ hoặc 90 – 99
Độ 2 160 – 179 và/ hoặc 100 – 109
Độ 3 ≥ 180 và/ hoặc ≥ 110
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc ≥ 140 <90

Bên cạnh các phân độ kể trên, bạn đôi khi có thể nghe nhắc đến khái niệm cơn tăng huyết áp khẩn cấp hay cấp cứu. Vậy định nghĩa cơn tăng huyết áp khẩn cấp và cấp cứu là gì? 

Theo đó, đây là hiện tượng huyết áp tăng cao nghiêm trọng với trị số huyết áp tâm thu trên 180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 120mmHg. Nếu tình trạng huyết áp tăng cao không kèm theo dấu hiệu tổn thương cơ quan đích thì gọi là cơn tăng huyết áp khẩn cấp. Ngược lại, nếu có kèm theo tổn thương cơ quan đích thì gọi là cơn tăng huyết áp cấp cứu.

Người bị tăng huyết áp có biểu hiện gì?

Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi hầu hết các trường hợp huyết áp cao đều không biểu hiện thành dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ rệt. Một số bệnh nhân cao huyết áp có thể bị đau đầu vào sáng sớm, nhịp tim không đều, chảy máu cam, thay đổi thị lực, ù tai. 

Dấu hiệu bệnh tăng huyết áp
Bệnh nhân tăng huyết áp có thể không nhận thấy triệu chứng hoặc chỉ gặp các triệu chứng nhẹ như đau đầu, nhịp tim nhanh...

Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng tăng huyết áp này thường không cụ thể và không xuất hiện cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng. Lúc này, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, lú lẫn, lo lắng, đau ngực và run cơ.

Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp

Trên thực tế, có đến 90% trường hợp tăng huyết áp là tăng huyết áp nguyên phát (tăng huyết áp vô căn), tức nguyên nhân gây bệnh không được xác định rõ. Tăng huyết áp vô căn có xu hướng phát triển từ từ trong nhiều năm. 

Ngược lại, nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát thường đến từ một bệnh lý hoặc từ tác dụng phụ của thuốc. Tăng huyết áp thứ phát có xu hướng xuất hiện đột ngột và làm huyết áp tăng cao hơn so với trường hợp tăng huyết áp nguyên phát. Một số bệnh lý và thuốc có thể dẫn đến tình trạng này là:

  • Chứng khó thở khi ngủ
  • Bệnh thận
  • Các vấn đề ở tuyến thượng thận
  • Các vấn đề ở tuyến giáp
  • Khiếm khuyết mạch máu bẩm sinh
  • Thuốc tránh thai, thuốc cảm, thuốc chống sung huyết, thuốc giảm đau không kê đơn và một số thuốc kê đơn khác
  • Các chất gây nghiện như cocain và amphetamine 

Cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp

Huyết áp sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố là sức cản ngoại vi (lực chống lại dòng máu) và cung lượng tim (lượng máu tim bơm được trong 1 phút). Cung lượng tim lại phụ thuộc vào sức co bóp của tim, tiền gánh, hậu gánh và tần số tim. 

Tăng huyết áp đồng nghĩa với việc tăng cung lượng tim, tăng sức cản ngoại vi hoặc tăng cả hai yếu tố này. Để đi sâu hơn, mỗi dạng tăng huyết áp sẽ lại có cơ chế bệnh sinh khác nhau.

Cơ chế gây bệnh tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp nguyên phát có cơ chế gây bệnh rất phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, thường gặp nhất là:

  • Nồng độ natri trong cơ thể cao làm tăng áp suất thẩm thấu của máu và tăng giữ nước, từ đó làm tăng thể tích máu trong cơ thể cũng như tăng lượng máu đổ về tim. Điều này làm tăng cung lượng tim.
  • Hệ thần kinh giao cảm bị kích thích có thể tăng quá trình sản xuất catecholamin, các hợp chất có khả năng gây tăng sức co bóp của tim, tần suất tim và làm co tĩnh mạch, tiểu động mạch đi.
  • Rối loạn nội mạc làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các yếu tố giãn mạch và co mạch, từ đó làm tăng sức cản ngoại vi.

Cơ chế bệnh sinh của tăng huyết áp thứ phát

Vì do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên cơ chế gây bệnh tăng huyết áp thứ phát cũng sẽ khác nhau tùy từng nguyên nhân:

  • Xơ vữa động mạch có thể làm xơ hóa và làm giảm độ đàn hồi của thành mạch, từ đó làm tăng sức cản ngoại vi.
  • Cơ chế mà các bệnh lý ở thận như suy thận gây tăng huyết áp thường có liên quan đến việc thiếu máu và oxy đến thận. Điều này kích thích quá trình sản xuất renin, từ đó làm tăng angiotensin II (một chất gây tăng huyết áp).
  • Các bệnh nội tiết có thể làm tăng nồng độ một số chất cụ thể như catecholamin, aldosteron, glucocorticoid, mineralocorticoid… và có thể khiến huyết áp tăng cao.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp

Dưới đây là các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp theo WHO mà bạn cần cảnh giác: 

  • Trên 65 tuổi
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
  • Thừa cân, béo phì
  • Ít vận động thể chất
  • Hút thuốc lá
  • Ăn nhiều muối (natri), nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Ăn ít kali, trái cây và rau quả
  • Uống nhiều rượu bia hoặc đồ uống chứa caffeine
  • Bị căng thẳng kéo dài
  • Mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, chứng ngưng thở khi ngủ…

Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh, một số yếu tố liên quan đến lối sống phía trên như tình trạng béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn uống và vận động… cũng là các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng tăng huyết áp hiện có. Vì vậy, bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc cao huyết áp cũng cần đặc biệt lưu ý đến các yếu tố này để kiểm soát bệnh hiệu quả. 

Tăng huyết áp có nguy hiểm không và gây hậu quả gì?

Bệnh cao huyết áp ít biểu hiện thành triệu chứng nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân. Bệnh làm tăng áp lực của máu lên thành động mạch, từ đó có thể làm tổn thương mạch máu cũng như các cơ quan. Huyết áp càng cao và không được kiểm soát càng lâu thì tổn thương càng nhiều. 

Dưới đây là một số hậu quả của bệnh tăng huyết áp khi không được kiểm soát hiệu quả: 

  • Phình mạch máu
  • Mạch máu trong thận bị suy yếu và thu hẹp, từ đó cản trở hoạt động của cơ quan này
  • Mạch máu ở mắt bị thu hẹp hoặc rách, có thể dẫn đến mất thị lực
  • Suy tim
  • Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Các hội chứng chuyển hóa như tăng nồng độ triglycerides, giảm nồng độ HDL-cholesterol, nồng độ insulin cao…
  • Các vấn đề về khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và học hỏi
  • Sa sút trí tuệ do giảm lưu lượng máu đến não
Biến chứng bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được kiểm soát tốt.

Phương pháp chẩn đoán cao huyết áp

Để chẩn đoán tăng huyết áp, bác sĩ sẽ hỏi bạn các câu hỏi về bệnh sử cũng như thăm khám lâm sàng. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành đo huyết áp bằng máy đo. Thông thường, huyết áp sẽ được đo ở cả 2 tay để đảm bảo không có sự khác biệt giữa 2 bên. 

Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế khuyến cáo rằng bệnh nhân cần được đo huyết áp ở 2 – 3 lần thăm khám, trong khoảng thời gian 1 – 4 tuần tùy vào mức huyết áp để chẩn đoán xác định bệnh. Chẩn đoán có thể được thực hiện trong một lần khám nếu huyết áp đo được trên 180/110mmHg và có bằng chứng của bệnh tim mạch. 

Việc đo huyết áp tại nhà cũng có thể được sử dụng để làm căn cứ chẩn đoán huyết áp cao nếu đảm bảo được các yếu tố:

  • Mỗi lần đo cần đo 2 lần liên tiếp ở tư thế ngồi, cách nhau khoảng 1 phút
  • Đo 2 lần/ngày, tốt nhất là vào buổi sáng và buổi tối.
  • Đo liên tục nhiều ngày, lý tưởng là 7 ngày. Sau đó, loại bỏ ngày đầu tiên và sử dụng giá trị trung bình của các lần đo còn lại (≥135/85 mmHg) để khẳng định chẩn đoán.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các phương pháp sau đây để xác định chẩn đoán cũng như tìm kiếm nguyên nhân gây tăng huyết áp:

  • Theo dõi huyết áp lưu động
  • Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm như xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tim

Người bị tăng huyết áp nên làm gì để kiểm soát bệnh?

Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính nên cần được theo dõi đều, điều trị đúng và đủ hằng ngày. Quá trình điều trị thường kéo dài lâu với mục tiêu là giúp bệnh nhân đạt mức huyết áp mục tiêu và giảm tối đa nguy cơ tim mạch. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào bệnh án của từng bệnh nhân tăng huyết áp. Theo đó, huyết áp mục tiêu trong điều trị là:

  • Nếu bệnh nhân vẫn dung nạp được thì mức huyết áp mục tiêu là < 140/90mmHg và thấp hơn nữa.
  • Nếu bệnh nhân có nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là < 130/80mmHg. 

Dù đã đạt được mức huyết áp mục tiêu thì bệnh nhân vẫn cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài, kết hợp với việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời. Vậy người bị huyết áp tăng cao phải làm gì để kiểm soát huyết áp?

Thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân kiểm soát và quản lý tốt bệnh tăng huyết áp. Bác sĩ thường khuyên người bệnh thay đổi lối sống bằng cách xây dựng chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, giảm kích thước vòng bụng (dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ), hạn chế rượu bia, bỏ hút thuốc, kiểm soát căng thẳng và đừng để bị lạnh đột ngột.

Ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp
Tập thể dục thể thao có thể giúp ngăn huyết áp tăng cao.

Nếu việc thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc để giảm huyết áp. Tùy phân độ huyết áp và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Các nhóm thuốc được sử dụng điều trị huyết áp cao bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Thuốc chẹn beta giao cảm
  • Thuốc chẹn alpha
  • Thuốc chẹn alpha-beta
  • Thuốc kháng aldosterone
  • Thuốc ức chế renin
  • Thuốc giãn mạch

Nếu huyết áp vẫn cao dù đã dùng ít nhất 3 loại thuốc khác nhau, bệnh nhân có thể đã bị tăng huyết áp kháng trị. Bệnh nhân cũng được coi là gặp phải tình trạng này nếu cần dùng 4 loại thuốc khác nhau cùng lúc để duy trì huyết áp ở mức mục tiêu. 

Lúc này, bác sĩ sẽ thay đổi các thuốc sử dụng để xác định xem sự kết hợp và liều lượng nào hiệu quả nhất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được yêu cầu thay đổi lối sống và theo dõi thêm huyết áp tại nhà (để loại trừ tình trạng tăng huyết áp áo choàng trắng do khám tại cơ sở y tế).

Bài viết liên quan:

Làm thế nào để không bị tăng huyết áp?

Việc xây dựng lối sống lành mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp, bao gồm:

  • Tiêu thụ các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch
  • Giảm lượng natri tiêu thụ ở mức dưới 2,3g mỗi ngày, tốt hơn là dưới 1,5g.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì
  • Tăng cường hoạt động thể chất bằng cách dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để thực hiện các hoạt động cường độ vừa hoặc 75 phút thực hiện các hoạt động cường độ cao
  • Hạn chế rượu bia
  • Bỏ hút thuốc
  • Quản lý căng thẳng bằng các bài tập giãn cơ, hít thở sâu hoặc chánh niệm
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà
  • Kiểm soát huyết áp khi mang thai

Câu hỏi thường gặp về bệnh tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp có di truyền không?

Di truyền là một yếu tố nguy cơ của cao huyết áp. Theo đó, các thành viên trong gia đình thường có những điểm tương đồng trong gen di truyền, hành vi, lối sống và môi trường sống có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu trong gia đình có người bị tăng huyết áp, bạn cũng có khả năng mắc bệnh rất cao.

Huyết áp thường tăng khi nào, vào thời điểm nào trong ngày?

Thông thường, huyết áp bắt đầu tăng vài giờ trước khi chúng ta thức dậy và sẽ tiếp tục tăng trong ngày, đạt đỉnh vào khoảng giữa trưa. Sau đó, huyết áp sẽ giảm xuống vào cuối buổi chiều và tối, đặc biệt thấp hơn vào ban đêm khi chúng ta ngủ. Đây là chu kỳ thay đổi huyết áp bình thường hằng ngày của cơ thể. 

Tuy nhiên, nếu nhận thấy tình trạng huyết áp tăng cao vào buổi chiều (về chiều) hoặc về đêm thì bạn nên đi khám. Bởi đó có thể là dấu hiệu của tình trạng cao huyết áp được kiểm soát kém hoặc các vấn đề khác như chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp…

Một số người cũng nhận thấy huyết áp tăng sau khi tắm. Điều này có thể do bạn không giữ đủ ấm sau khi tắm khiến các mạch co lại và làm trị số huyết áp tăng lên.

Bệnh tăng huyết áp có chữa khỏi được không?

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát hiệu quả bằng các phương pháp điều trị như thay đổi lối sống, dùng thuốc…

Người bị tăng huyết áp nên ăn gì?

Người bị tăng huyết áp nên bổ sung các loại thực phẩm sau đây vào chế độ ăn uống:

  • Trái cây, rau củ
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Các sản phẩm từ sữa ít béo
  • Thịt gia cầm bỏ da và cá
  • Các loại hạt và các loại đậu
  • Dầu thực vật

Đồng thời, người bệnh nên hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối (natri), thịt đỏ, bánh kẹo và các loại đồ uống chứa nhiều đường.

Hy vọng Bảo hiểm Bowtie đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh tăng huyết áp, dấu hiệu, nguyên nhân cũng như cách phát hiện, điều trị bệnh tăng huyết áp. Việc thay đổi lối sống không chỉ giúp ngăn ngừa mà còn hỗ trợ kiểm soát tăng huyết áp hiệu quả. Hãy xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay, bạn nhé.

Chia sẻ
Các thông tin trên được chia sẻ bởi Bowtie Việt Nam. Các nội dung này chỉ mang tính chất tham khảo. Trong mọi trường hợp, Bowtie không chịu trách nhiệm về bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, liên quan đến việc truy cập và sử dụng nội dung của Bowtie.

Bài viết liên quan

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Dạng bệnh chớ nên xem nhẹ Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Dạng bệnh chớ nên xem nhẹ
Bệnh tim mạch

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Dạng bệnh chớ nên xem nhẹ

Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không? Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không?
Bệnh tim mạch

Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không?

Lập kế hoạch phòng chống bệnh tăng huyết áp với 9 cách đơn giản Lập kế hoạch phòng chống bệnh tăng huyết áp với 9 cách đơn giản
Bệnh tim mạch

Lập kế hoạch phòng chống bệnh tăng huyết áp với 9 cách đơn giản

Các chuyên mục khác

Email

Liên hệ chung
hello@bowtie.com.vn
Liên hệ về truyền thông
media@bowtie.com.vn
Liên hệ hợp tác
partners@bowtie.com.vn

© 2024 Bản quyền thuộc Bowtie Vietnam Company Limited.

Trình duyệt của bạn đã xảy ra lỗi. Để trải nghiệm tốt hơn, vui lòng nâng cấp hoặc thay đổi trình duyệt khác. OK